Thứ Năm, 7 tháng 2, 2019

VÕ CỔ TRUYỀN BÌNH ĐỊNH TỪ GÓC NHÌN VĂN HÓA

CÂU HỎI:
  1. ..
  2. ..
  3. ..
  4. ..
  5. ..
  6. ..

1- Võ cổ truyền là một loại hình văn hóa phi vật thể
Bình Định là một vùng đất võ, đó là điều đã được thừa nhận rộng rãi. Nhưng võ là một cái gì đó vô hình. Thấy roi, xích, cung, tên, gươm, đao, giáo, mác, bảo đấy là võ ư? Không phải, đấy chỉ là binh khí, vũ khí, tức là khí cụ của võ. Nó là một số tín hiệu, phương tiện của nghề võ dưới dạng vật thể. Võ tồn tại trong những con người bằng xương bằng thịt. Vô thể biến thành hữu thể, khi con người vào cuộc, lâm thế, phải đối đầu, phải xuất chiêu, phải đánh trả hoặc tập luyện, truyền dạy. Vậy khi con người không diễn võ thì võ mất ư? Không phải, võ vẫn tồn tại trong tâm trí, nội lực của họ, có điều kiện là bộc lộ. Nói võ là văn hóa phi vật thể, chính là do tính chất tiềm ẩn, vô hình, biến ảo này vậy.



Võ Bình Định khởi đầu là những phản xạ phòng thân, được chọn lọc, đúc kết thành đường nét, phép tắc, bài bản, trở thành một hệ thống giá trị được áp dụng, học tập, nghiên cứu. Trong hành trang văn hóa dân gian Bình Định, dấu ấn "miền đất võ" được thể hiện khá đậm nét, từ văn học đến hội lễ, từ âm nhạc đến vũ đạo, được vận dụng khá nhuần nhuyễn cho một loại hình nghệ thuật đặc sắc của Bình Định là hát bội.

2- Võ cổ truyền trong sự giao thoa với các loại hình văn hóa khác
2.1- Võ cổ truyền Bình Định với  văn học dân gian
Dưới thời phong kiến, quan niệm trọng nam khinh nữ ăn sâu vào nếp nghĩ, vậy mà con gái Bình Định cũng được học võ, luyện võ:
Ai về Bình Định mà coi
Con gái Bình Định bỏ roi đi quyền.
Không chỉ học cho biết, mà còn giỏi võ, có tiếng tăm:
Trai An Thái, gái An Vinh
Người Bình Định xưa ít nói đến trăng khi thề thốt, ít nói đến hoa khi hò hẹn yêu đương. Cái mà người Bình Định xưa thường vận đến như một vật chứng thiêng liêng là lưỡi gươm vàng.
Hãy nghe một người nói với một người:
Em thương anh trầu hết lá lươn
Cau hết nửa vườn cha mẹ nào hay
Dầu mà cha mẹ có hay
Nhứt đánh nhì đày hai lẽ mà thôi.
Gươm vàng để đó anh ơi
Chết thì chịu chết lìa đôi không lìa.
Hãy nghe một người vợ nói với chồng:
Chàng ơi đưa gói thiếp mang
Đưa gươm thiếp vác cho chàng đi không.
Lại nghe một người dặn dò một người:
Anh ơi giữ dạ cho bền
Mai sau sắt vụn rèn nên gươm vàng.
Hình ảnh lưỡi gươm vàng vừa khẳng định một tư thế tồn tại quyết liệt vừa giàu chất xả thân. Ở những nơi quá phẳng lặng, chưa từng đối mặt với gian nguy tột bậc, chưa gặp tình huống phải lấy mạng sống để đảm bảo, thì người ta không nhắc tới gươm giáo một cách đau đáu, tin cậy, đầy sự tín chấp như vậy. Điều ấy không thể giải thích đơn thuần vì lý do thẩm mỹ, mà phải đi từ đặc điểm hoàn cảnh, đặc điểm lịch sử. Trong đó, con người phải trả lời các thử thách quyết liệt bằng nhân cách, bằng sinh mệnh.
Trong quá trình xác lập tư thế lịch sử, khí phách và tài năng tuyệt vời của các võ nhân Bình Định đã thổi vào văn học dân gian một luồng gió bất tận của huyền thoại. Hãy còn đó những truyền thuyết đẹp như ngọc: chuyện Nguyễn Nhạc được sơn thần ban ấn kiếm, chuyện Nguyễn Huệ bắt đàn ngựa trời để thu phục lòng tin của đồng bào Sêđăng, chuyện Võ Văn Dũng chém sư hổ mang, chuyện Bùi Thị Xuân đả hổ, chuyện Nguyễn Văn Tuyết trộm ngựa chúa Nguyễn tại dinh Tuần phủ… Những câu chuyện dân gian ấy là sự bảo tồn đầy trân trọng của nhân dân đối với những anh hùng đích thực mà họ tôn thờ. Trừ những kẻ bị Lía trừng trị, còn tuyệt đại đa số nhân dân trìu mến gọi Lía là Chàng Lía, Chú Lía. Khi Lía sa cơ, phải trốn trong rừng thẳm, được một lão tiều phu nhường cho nắm cơm. Ăn xong, Lía dặn ông lão mang đầu mình nộp quan lĩnh thưởng rồi tự chặt đầu đền ơn. Hành động của Lía quá nhanh, lão tiều không kịp cản. Lão tiều vừa khóc vừa ráp đầu Lía vào thân, chôn dưới một gốc cây. Nước mắt của ông lão phải chăng là nước mắt của dân Bình Định dành cho Lía? – bởi bất kỳ một người dân Bình Định nào cũng sẽ làm như ông lão – thà sống nghèo khổ chứ không làm việc bất nghĩa. Cuộc đời Lía được kể lại trong Vè chàng Lía, như một bản anh hùng ca dân dã, đó là tình yêu của Bình Định dành cho một người con ruột thịt của mình.
Không phải ngẫu nhiên mà người Bình Định dành cho những võ nhân như chàng Lía, như Mai Xuân Thưởng những lời vọng tưởng đầy yêu quý. Về Chàng Lía:                     
Chiều chiều én liệng Truông Mây
Cảm thương Chú Lía bị vây trong thành
Về Mai Xuân Thưởng:
Ngó vô Linh Đổng mây mờ
Nhớ Mai nguyên soái dựng cờ đánh Tây
Hầm Hô cữ nước còn đầy
Còn gương phấn dũng còn ngày vinh quang.
Bằng lối đi riêng của mình, văn học dân gian đã dẫn dắt lịch sử trở về, bất chấp sự bôi xóa, đốt phá của các thế lực đen tối nhằm trả thù, hay sự rơi rụng vô tình trong quá trình sàng lọc của thời gian. Không gian lịch sử mà văn học dân gian tái hiện là cả một bầu trời rộng rãi, khoáng đạt, ở đó, nổi bật chân dung các võ nhân Bình Định anh hùng, mà nhân cách và hành trạng thấm đẫm lòng yêu nước của họ chính là sự đảm bảo cho giá trị của võ Bình Định trở thành thiêng liêng. 

2.2 - Võ thuật và hát bội Bình Định:
Với những cơ duyên lịch sử và địa lý, tỉnh Bình Định từ xưa đến nay có quyền tự hào chính đáng là mảnh đất của anh hùng và nghệ sĩ. Ở đây, bao thế hệ kiên cường giữ đất và giữ trong tim mình ngọn lửa nồng nàn tình yêu nghệ thuật. Trên nền tảng của văn hóa dân gian - võ nghệ - thi ca, hát bội đã ra đời và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Bình Định. 

Nguồn ảnh: 1890 THEATRE ANNAMITE - Nhà hát An Nam Exposition coloniale. Théatre Annamite, Esplanade des Invalides. Publisher : Imp. Floucaud & Cie, 38 rue Lecourbe & 36 rue des Petits-Champs (Paris). Date of publication: 1890

Không phải ngẫu nhiên mà những tích tuồng hát bội như Sơn hậu, Hộ sanh đàn, Tam hạ Nam Đường, Cổ thành hội… diễn lại hàng trăm lần vẫn làm say lòng khán giả. Đó là những tích tuồng ngợi ca trung hiếu, thủy chung, tiết nghĩa. Mới hay người xưa không chỉ đến với hát bội như đến với những loại hình nghệ thuật mang tính giải trí đơn thuần, mà thực chất đó là hành trình tìm về những giá trị vĩnh hằng của đạo lý dân tộc. Và người nghệ sĩ trên lĩnh vực sân khấu truyền thống mang sứ mệnh thiêng liêng là thể hiện khát vọng mãnh liệt của quần chúng nhân dân, đồng thời truyền đạt những bài học triết lý nhân sinh sâu sắc của ông cha cho lớp lớp con cháu hậu sinh. Có thể nói đây là nơi hội tụ và chia sẻ giữa nghìn xưa với nghìn sau, giữa cá nhân nghệ sĩ với cộng đồng xã hội, vượt qua mọi cách bức về thời gian, không gian. Và bằng con đường ấy, dù đi qua bao thăng trầm của lịch sử, truyền thống văn hóa của dân tộc vẫn được bảo tồn, vun đắp.
Nói hát bội là loại hình kịch hát thì chưa đủ, mà phải nói đó là kịch hát - múa. Múa trong hát bội mô phỏng động tác của người và động vật trong đời sống thực. Các động tác này quan hệ mật thiết với làn điệu và văn học tuồng hát, nên nó phải được tiết tấu hoá, khoa trương, cách điệu.




Múa trong hát bội Bình Định có quan hệ mật thiết với võ cổ truyền Bình Định. Các động tác múa không có đạo cụ trong hát bội như khai, khán, chỉ, khoát, giằng cương ngựa, lên ngựa, phi ngựa, lăn, ngã, đá, xóc, nhảy thành… được chắc lọc từ các tư thế, động tác võ thuật, từ các bài quyền. Múa có đạo cụ như cung, kiếm, thương, siêu, đao, khiên, búa, chùy… nhất thiết phải học qua các bài võ có binh khí thì mới có nền tảng để cách điệu, trau chuốt các động tác cho phù hợp, đảm bảo vừa đúng vừa đẹp, vừa khoa học vừa thẩm mỹ. Người sắm vai Ông Đỏ (Quan Công) phải biết đánh đại đao mới có thể múa Thanh Long đao sao cho hùng, uy nhất quán. Người sắm vai Tiết Cương chuyên đánh độc phủ (búa đơn), mà thế chống búa trong bài độc phủ thì phải đứng một chân, còn chân kia co lại đưa lên cao, lòng bàn chân ngửa. Thế đứng này đẹp nhưng khó, nếu diễn viên không hiểu biết võ thuật thì không thể lập bộ vững vàng, huống chi trong khi đứng, còn phải diễn và hát. Kép sắm vai Triệu Khánh Sanh, Cao Quân Bảo đòi hỏi nhuần nhuyễn cách khai thương, khán thương, khoát thương, chỉ thương, khấu thương; trong khai thương lại phải biết khai vớt, khai chao, khai loan; hay như khi nhân vật chỉ cầm thương chứ không giao tranh cũng phải biết cách cầm thương dắt ngựa, gò ngựa; cầm thương lên ngựa sao cho chặt chẽ, không bị rối mới tạo dáng đẹp, cầm không nên hồn thì thương đi đường thương, ngựa đi đường ngựa, hỏng cả tầm vóc nhân vật lẫn vở diễn. Các vai đào chiến như Đào Tam Xuân, Lưu Kim Đính, Kỷ Lan Anh múa song kiếm phải thành thạo từ cách khai kiếm, chuốt kiếm, dựng kiếm, bồng kiếm, khấu kiếm- động tác múa phải tròn, kín, nếu là song kiếm thì phải biết lúc nào nên tách, lúc nào nên nhập. Chính vì mối quan hệ giữa võ và múa mật thiết như vậy nên Hậu tổ Hát bội Việt Nam Đào Tấn từng dạy học trò: “Kép hát phải biết võ nghệ mới được.” 



Những nguyên tắc mà vũ điệu hát bội phải tuân thủ như cân đối, âm dương, gốc ngọn, mực thước, nhịp nhàng, thật ra rất gần với các thảo võ cơ bản của võ cổ truyền Bình Định, bắt đầu từ bài dễ như quyền Ngũ hành, roi Thất bộ đến những bài tiêu biểu như quyền Ngọc Trản và roi Thái Sơn. Diễn viên hát bội  học múa đều được dạy hai thảo võ cơ bản này.
Các nhân vật được thể hiện trên sân khấu hát bội như Quan Công, Trương Phi, Hoàng Phi Hổ, Triệu Khánh Sanh, Tiết Cương v.v… tuy “bước ra” từ các tích tuồng lịch sử Trung Quốc, nhưng các tác gia hát bội Việt Nam đã phổ vào đó hồn vía Việt. Qua sự nhập vai của các diễn viên tài danh trên sân khấu hát bội Bình Định, cốt cách, tinh thần và võ thuật Bình Định đã hòa quyện và làm nên sức sống lâu bền của vai diễn, lớp diễn, vở diễn. Tiết Cương chống búa, Diễn võ đình, Lão Tạ lăn lửa, Đào Tam Xuân loạn trào … là những lớp diễn tuyệt vời, trong đó võ thuật Bình Định đã nhập vào vũ điệu hát bội để thăng hoa và trở thành bất diệt.

2.3 - Võ cổ truyền với lễ hội
Nếu nhìn từ góc độ văn hóa, thì võ thuật Bình Định là một dạng thức văn hóa đặc biệt có sự tương tác mạnh mẽ với các dạng thức văn hóa khác. Trong sinh hoạt hội hè đình đám của người Bình Định xưa, các cuộc mang tính cộng đồng rộng lớn thường không thể thiếu hai món hát xướng và võ thuật.
Nói đến những lễ hội tràn đầy tinh thần thượng võ trên đất Bình Định, người ta nghĩ ngay đến lễ hội Tây Sơn. Lễ hội được tổ chức hàng năm vào ngày mồng 5 tháng giêng âm lịch. Thực ra, phần lễ với các nghi thức dâng hương, tưởng niệm được bắt đầu tổ chức từ ngày mồng 4 tại Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt để tưởng nhớ các thủ lĩnh của phong trào Tây Sơn, đặc biệt là ba anh em Nguyễn Nhạc - Nguyễn Huệ - Nguyễn Lữ. Sang ngày mồng 5, phần chính hội bắt đầu với nghi thức kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi Đống Đa (năm 1789), tái hiện trận Đống Đa oanh liệt của nghĩa quân Tây Sơn áo đỏ dưới sự chỉ huy của Hoàng đế Quang Trung đánh thắng 29 vạn quân Thanh xâm lược. Ngày xưa, hội đánh trận giả được tiến hành vào lúc mờ sáng. Tiếng trống trận, tiếng ngựa hí quân reo huyên náo, bóng cờ bay phần phật lúc mờ lúc tỏ, hoàng đế Quang Trung (do một người đóng vai) lẫm liệt đưa kiếm lệnh cất lời hiệu triệu vang rền. Cả một dòng lịch sử cuồn cuộn trở về:
Hùng binh mười vạn hăng hái hy sinh
Chiến tượng hai trăm tinh tường trận mạc.

Lòng một quyết ra tay hùng hổ, hẹn nước non ca khúc hải hoàn sau

Chỉ mười ngày dẹp giống sài lang, cùng tướng sĩ chung vui Nguyên đán trước.

Cạn lời ủy lạo, trống giục cờ giong;

Dốc dạ truy tùy, non bằng biển vượt.

Ngày ba mươi tháng chạp, sông Giản Thủy dồn binh;
Đêm mồng ba tháng giêng, đồn Hà Hồi hãm giặc.
Đánh trận này tiếp trận khác, sấm dậy chớp giăng:
Xong đồn nọ tới đồn kia, khói tan đá nát.
Khuya mồng bốn gió sương mờ mịt, đốt lương rừng lửa đỏ, khiến
ba quân liều chết chớ lui;
Sáng mồng năm voi ngựa sẵn sàng, quấn cổ thước khăn vàng,
quyết một trận chẳng hơn thì thác.
Thế giặc dẫn binh đông tướng dữ, thuốc súng chôn quanh thành,
chông sắt cắm khắp lũy, thêm bốn bề đạn rạc rào mưa;
Quân ta nhờ trí sáng gan bền, ván dày cột thành cốt,
Rơm ướt phủ làm bì, hò một rập sức cuồn cuộn thác,
Ầm tiếng pháo, Ngọc Hồi kíp hạ, sông máu láng lai;
Thúc chân voi, Khương Thượng liều thân, núi thây chồng chất.
Nghi Đống liệu khôn bề sống sót, vội vàng treo cổ Đống Đa!
Sĩ Nghị may tìm được lối ra, hớt hải thoát thân mạn Bắc.
Ngoài ải sói gió tan mùi sát khí, niềm hân hoan nhuộm thắm mặt sơn xuyên;
Vào thành Long cờ rợp bóng vinh quang, áo chiến thắng phủ đen hồn đạn dược.
Mười ngày hẹn trước, trời đất chứng lời vàng;
Hai bận vui xuân, cỏ hoa lồng tiệc ngọc.
(Văn tế Đống Đa của nhân dân Bình Khê)
Khí thế rầm rập, làm dậy lên niềm tự hào thiêng liêng. Người xem hội đổ về từ chiều hôm trước. Già trẻ trai gái chen nhau qua cầu, nhiều người bị lấn rớt xuống sông, bị lấm ướt sây sát mà vẫn hăng hái vui say. Sau phần đánh trận giả, lễ hội còn có nhiều hoạt động văn hóa dân gian thấm đẫm tinh thần thượng võ: hội thề kết nghĩa Kinh Thượng, hội cồng chiêng, các chương trình biểu diễn võ nhạc và võ thuật: trống trận Tây Sơn, đánh côn, đi quyền, đấu võ...
Những năm gần đây, lễ hội Tây Sơn được tổ chức quy mô, hoành tráng, trang trọng tại Bảo tàng Quang Trung và sân vận động huyện Tây Sơn. Cầu mới đã xây, người đi hội đông gấp bội nhưng cảnh chen nhau rớt xuống sông không còn nữa. Phần Hội cũng không còn cảnh đánh trận lúc mờ sáng, mà được tổ chức dưới hình thức sân khấu hóa rực rỡ với sự tham gia của hàng trăm thanh niên, học sinh, diễn viên, võ sĩ. Chương trình hội phong phú hơn xưa: về hội thi có thi Trạng Nguyên, cờ tướng, cờ người, đua thuyền; về văn nghệ có hát bội,  hát hò đối đáp, thả đèn hoa đăng trên sông v.v. Đặc biệt, trống trận Tây Sơn 12 chiếc và các tiết mục biểu diễn võ thuật đã trở thành hồn vía lễ hội: đánh côn, đi quyền, biểu diễn các môn binh khí cổ truyền, đấu võ đài… vẫn là những hình thức văn hóa có sức thu hút và lôi cuốn cao nhất, tạo nên sự cộng hưởng mãnh liệt trong lòng người dự hội.
Bình Định còn có một lễ hội đặc sắc tràn đầy tinh thần thượng võ ở An Thái là lễ hội đổ giàn. Nhà thơ Chế Lan Viên, thời niên thiếu sống ở thành Bình Định, trong những dòng hồi niệm về con đường đến với văn chương, đã tâm sự: “Chả lẽ lại nói là những kiểu kiến trúc đặc biệt nhà lá mái cửa bàn khoa Bình Định hay cái vòng quay kiên trì triền miên của các xe nước ngoài Quảng Ngãi đã cho tôi sự chịu khó trong thơ? Nhưng quả là những đêm hát bội ở An Vinh, các cuộc đổ giàn ở An Thái làm cho tôi yêu chất hùng tráng - sau này ta gọi là sử thi hay là gì nhỉ? Rồi đây các bạn cũng nên tổ chức lại trò đổ giàn, đó chả là Olympic của ta đấy sao? Một cái giàn cao hàng chục mét, có con heo quay trên ấy và dưới đất là hàng chục võ sĩ từ Quy Nhơn, Đập Đá lên, Bình Khê xuống, Hoài Ân Hoài Nhơn vào, cùng với các võ sĩ An Thái, An Vinh tại chỗ đang chờ đợi. Khi con heo ném xuống là một cuộc “tỉ thí lôi đài” dữ dội để giành cho được con heo kia, dấu hiệu đoàn nào sẽ là vô địch năm này. Chất hùng ca trong thơ làm sao không dính líu, cái dây hồng trong thơ làm sao không dính líu với các cuộc đổ giàn thượng võ này? Blake đã nói khá đúng: “Văn hoá đi bằng lối thẳng, còn nghệ thuật thì đi các lối ngoằn ngoèo”. (Chế Lan Viên- Thơ văn chọn lọc, Sở VHTT Nghĩa Bình 1988).
Lễ đổ giàn với những nghi thức dân gian sinh động như rước nước, tắm tượng, đập động trừ yêu, phóng sinh, chẩn bần, xô cỗ đổ giàn, cướp heo quay, hát án... quả thật là sự hội tụ tưng bừng của nhiều màu sắc, nhiều vẻ đẹp văn hoá hữu thể và vô thể, nhưng sức cuốn hút chính của nó là ở sự tỷ thí võ nghệ một cách sôi động, hết mình. Không chỉ riêng Chế Lan Viên. Những người từng chứng kiến lễ hội đổ giàn đầu thế kỷ XX đều kể lại với niềm phấn khích xen lẫn tự hào vô bờ bến. Ông Hồ Diêu, gọi hương mục Ngạc bằng ông, hiện còn sống ở An Vinh, thuật những điều mắt thấy tai nghe : “Võ sĩ của các võ đường đổ về An Thái quan sát địa hình suốt mấy ngày trời, rồi ém quân mai phục từ đêm hôm trước. Một số trà trộn trong đám đông đứng xem hội, chờ lễ tế vừa xong, đã thoăn thoắt lên giàn, các võ sĩ canh giàn cản không nổi. Con heo quay trên cỗ xô xuống còn lơ lửng trong không trung đã có người phi thân lên chụp rồi vác chạy. Chụp được đã khó, vác được heo ra khỏi vòng vây còn khó hơn. Vì con heo quay là chiến lợi phẩm danh dự nên các phái võ ra sức tranh giành. Có người giành thì có người cướp. Có người cướp thì phải có người chận cướp mở đường cho phe mình chạy. Đánh dữ lắm!”
Những ngón đòn tuyệt kỹ được tung ra. Nào côn nào quyền. Võ tàu võ ta. Gió cuộn cát bay, tiếng hò reo huyên náo cả một vùng. Võ sĩ vác heo thoát được hay không ngoài chuyện được đồng bọn hỗ trợ, cái chính là tuỳ thuộc vào tài nghệ của mình. Nếu kém tài thì bị kẻ giỏi hơn cướp tay trên. Môn phái nào đem được con heo quay về tổ đình là một vinh dự to lớn, năm đó được tiếng vô địch, học trò xin theo học rất đông.

Lễ hội đổ giàn An Thái là một lễ hội mà võ thuật bộc lộ đến đỉnh cao các phẩm chất dũng mãnh, cao thượng và nồng nhiệt. Tất nhiên, không loại trừ những yếu tố hệ quả và mặt trái như sự quyết liệt ăn thua có thể dẫn tới sát thương, hoặc mặc cảm thua cuộc nặng nề có thể chuyển thành lòng thù hận, ra sức rèn tập đợi đến kỳ hội sau rửa nhục. Nhưng vượt lên trên tất cả những vụn vặt đời thường, vẫn là hào khí thượng võ rót tràn cuộc sống sự hồi hộp và niềm vui ngây ngất.
*
Ở các lễ hội dân gian hay lễ hội lịch sử - văn hóa khác của Bình Định như lễ hội đâm trâu của đồng bào Ba-nar, lễ hội văn hóa thể thao miền núi, lễ hội văn hóa thể thao miền biển v.v., võ cổ truyền tuy không chiếm vị trí chủ đạo như trong lễ hội Tây Sơn và lễ đổ giàn An Thái, song vẫn là một nội dung không thể thiếu dưới các hình thức biểu diễn, trò chơi dân gian hay thi đấu. Biểu diễn thì có diễn võ, nhạc võ. Thi đấu thì có các hình thức đấu võ đài, phóng lao, bắn cung, đô vật. Trò chơi thì có kéo co, đua thuyền, lắc thúng, nhảy bao bố, chặt gạch, đập ấm. Đó là những hoạt động phong phú, lành mạnh, phản ánh sinh động truyền thống thượng võ của người Bình Định.



http://www.baobinhdinh.com.vn/vungdatvo/2006/10/33966/

BÌNH ĐỊNH.