Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2019

VÕ MIẾU - HUẾ.


Võ Miếu được khởi công xây dựng từ tháng 9 năm Ất Mùi (1835) tại làng An Ninh thuộc huyện Hương Trà, phía bên trái Văn Miếu, trước mặt là sông Hương. Với chu vi khoảng 400m, cấu trúc Võ Miếu cũng không cầu kỳ, gồm một miếu chính theo kiểu trùng thiềm điệp ốc, phía trước có xây 2 nhà phụ gọi là Tả Vu và Hữu Vu đối diện nhau. Chung quanh có xây thành bao bọc, phía ngoài thành có nhà Tể sinh - là nơi giết súc vật khi tổ chức cúng tế. 


thánh võ
Khung cảnh xung bên trong miếu Thánh Võ

Năm 1839 (Minh Mạng thứ 20), triều đình cho dựng ba tấm bia Võ Công ở trước sân Võ Miếu. Những tấm bia này ghi tên những danh tướng đã đóng góp nhiều chiến công trong hai triều vua Gia Long và Minh Mạng như: Trương Minh Giảng, Phạm Hữu Tâm, Tạ Quang Cự, Nguyễn Xuân, Phạm Văn Điển... Về sau, còn có hai tấm bia ghi tên những Tiến sĩ đỗ trong 3 khoa thi võ dưới thời Tự Đức: 1. Khoa Ất Sửu (1865) 2. Khoa Mậu Thìn (1868) 3. Khoa Kỷ Tỵ (1869). Bên cạnh một số danh tướng Việt Nam như: Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Dật, Tôn Thất Hội... trong miếu còn có bài vị thờ các danh tướng của Trung Quốc như: Hàn Tín, Trương Lương, Gia Cát Lượng... Việc tế lễ ở Võ Miếu được tổ chức một năm 2 lần vào mùa thu và mùa xuân. Phẩm vật cúng tế có những quy định riêng. Tuy nhiên, về sau phẩm vật có thay đổi (tùy theo quy định của từng triều vua) nhưng chủ yếu vẫn là tam sinh (trâu, heo, dê) và hương hoa, quả phẩm. Về hình thức, việc lập Võ Miếu nhằm tạo ra một sự đăng đối so với Văn Miếu.

Võ thánh miếu
Bia đá ở Võ Thánh Miếu

Song thực tế, Võ Miếu không có vai trò quan trọng như Văn Miếu. Nho giáo hay chính xác là Nho học là hệ tư tưởng quán xuyến toàn bộ nền tảng chính trị giáo dục của chế độ phong kiến mà ở đây là triều Nguyễn. Võ Miếu được lập ra cũng để tôn vinh những công thần đã đóng góp nhiều công lao cho triều đại, mục đích động viên những người theo đòi võ nghiệp mong lập được chiến tích để lưu danh muôn thuở. Triều Nguyễn lập ra Võ Miếu để khuyến khích nhân tài, tỏ sự công bằng giữa văn và võ. Nhưng tiếc thay, thực tế đã không được như vậy. Giá như đối với việc rèn luyện binh mã, nâng cao trình độ kỹ thuật quân sự, hiện đại hóa vũ khí luôn được chú trọng như việc đọc sách làm thơ.

Văn Thánh trồng thông Võ Thánh trồng bàng
Ngó vô Xã Tắc hai hàng mù u...
Câu ca xưa nhắc đến những di tích quan trọng và thiêng liêng của Cố đô Huế, trong đó, di tích Võ Thánh (còn gọi là Võ miếu, Võ Thánh miếu) là một trong những di tích có thể nói là độc đáo, nhân văn và gần như "riêng có" ở Huế. Bởi lẽ, truyền thống xưa trọng văn hơn trọng võ, việc khắc bia đá, dựng miếu thờ đối với đức Khổng Tử cùng liệt thánh và các vị khoa bảng là việc không lạ; việc lập miếu thờ các danh tướng có công cũng có thể có ở nơi này nơi kia, song cho dựng bia khắc tên để tôn vinh và lưu danh "tiến sỹ võ" thì hình như riêng có ở Huế.
Về sự xuất hiện của miếu Võ Thánh, tài liệu ghi lại như sau: năm 1835 dưới thời Minh Mạng, theo kiến nghị của Bộ Lễ, vua chuẩn cho xây dựng Võ miếu nhằm thể hiện sự chú trọng đến giáo dục quân sự và đề cao nghiệp võ: "Điều cốt yếu trong việc trị nước phải gồm có cả văn lẫn võ, không thể thiên về một bên. Việc xây dựng Võ miếu là việc nên làm... Từ Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê đời nào cũng có người tài giỏi binh cơ mưu lược, huống chi triều đình ta từ lúc khai quốc cho đến giai đoạn Trung hưng, nhiều người ra mưu giúp nước, công lao rực rỡ không kém gì người xưa, cần biểu dương để khuyến khích nhân tài...". Vua Minh Mạng còn dụ: "Những người được thờ ở Võ miếu tất phải là bậc có công liệt rõ ràng, giữ trọn trước sau, mới đủ để nêu rõ ý nghĩa thờ tự và làm gương lâu dài cho sau này... Nay chuẩn cho: trong danh tướng các triều đại thì lựa lấy Trần Quốc Tuấn và Lê Khôi; trong danh tướng tiên triều ta thì lấy Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Tiến, Tôn Thất Hội và Nguyễn Văn Trương tất cả sáu người, liệt vào thờ phụ ở giải vũ tả hữu nhà Võ miếu. Lại cho mộ lấy 20 người dân ngoại tịch ở gần miếu, sung làm thủ hộ; hằng năm cứ mùa xuân và mùa thu làm lễ tế sau một ngày hôm tế miếu Lịch đại đế vương".
Năm Minh Mạng thứ 20 (theo chữ khắc trên bia), triều đình cho dựng 3 tấm bia Võ Công ở trước sân Võ miếu khắc ghi tên họ, quê quán, chức tước và công trạng 10 danh tướng đã đóng góp nhiều chiến công trong hai triều vua Gia Long và Minh Mạng. Thời Thiệu Trị (Đinh Mùi -1847) đến đầu thời Tự Đức (1851) dựng bia Võ công An Tây ở Võ miếu Huế, ghi công các tướng lĩnh có công trạng trong cuộc an định Cao Miên và phân định Nam Kỳ năm 1845. Thời Tự Đức, triều đình cho dựng thêm hai tấm "Tiến sĩ võ", ghi những Tiến sĩ đỗ trong 3 khoa thi võ: khoa Ất Sửu (1865), khoa Mậu Thìn (1868) và khoa Kỷ Tỵ (1869).
Thời gian, chiến tranh và sự "vô tâm" của con người đã làm cho các công trình của Võ miếu gần như trở thành phế tích. Tường rào tiêu tán, đất đai bị chiếm dụng, miếu thờ đổ nát... Cách đây trên chục năm, ghé thăm Võ miếu thấy còn lại các tấm bia đá đứng rải rác đó đây, khuất lấp trong cỏ dại, quang cảnh buồn đến nao lòng. Cơ quan quản lý di tích Huế hẳn biết rõ tầm quan trọng của di tích này đối với hệ thống di sản cố đô, tuy nhiên, việc trùng tu, tôn tạo không đơn giản và không phải là chuyện một sớm chiều. Nó đòi hỏi đến kinh phí, đòi hỏi đến nghiên cứu khảo sát, đến đền bù giải tỏa... Mà Huế lại quá nhiều di tích, cái nào cũng quý và quan trọng, cũng đang đòi hỏi phải bảo vệ, trùng tu... Quả là bài toán nan giải.
Nay ngôi miếu thờ đã một phần được đầu tư tu sửa, mái lợp ngói mới, các án thờ có nhang đèn . Riêng những tấm bia thì đã được gom về thành một cụm. Đếm tất cả có 5 tấm, 3 tấm lớn là bia Võ công thời Minh Mạng, 2 tấm nhỏ dựng phía trước là bia tiến sỹ võ thời Tự Đức. Tấm bia An Tây thì nghe đâu đã thất tán không biết từ bao giờ. Những hàng chữ trên bia đã bị phong hóa nhiều, nhất là 2 tấm bia thời Tự Đức, nét khắc mảnh và cạn nên nhiều chữ đã không thể nào đọc được, thậm chí mất dấu... Trăm năm bia đá cũng mòn. Những tấm bia kia lại đều có tuổi đời trên cả trăm năm, liệu những hàng chữ, những nét chạm khắc trên bia còn có thể chống chọi, tồn tại đến bao giờ? Đợi đến lúc đủ điều kiện để trùng tu chắc là còn lâu, nhưng chẳng lẽ không thể làm một cái mái che tạm để bảo vệ những hiện vật gốc quý giá và ý nghĩa như thế...
Huy Khánh &.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét