Đấu trường cổ độc nhất vô nhị
Được xây dựng vào đầu thế kỷ 19, Hổ Quyền được các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử đánh giá là công trình "độc nhất vô nhị", nơi diễn ra những trận tử chiến giữ hổ và voi.
Nằm cách trung tâm TP Huế (Thừa Thiên - Huế) chừng 5 km về phía tây, khu di tích Hổ Quyền tọa lạc trên vùng đồi Long Thọ, phường Thủy Biều. Đây được xem là công trình "độc nhất vô nhị" không những ở Việt Nam mà cả ở châu Á.
Theo chân anh Hoàng Quốc Tuấn, bảo vệ di tích này gần 16 năm tiến vào bên trong trường đấu, du khách mới thấy rõ quy mô của một thời vàng son với những trận thư hùng giữa voi và hổ đã đi vào sử sách. Hơn 100 năm trước, nơi đây từng diễn ra những trận chiến sống còn giữa 2 loài động vật đầy sức mạnh. Tuy nhiên, trải qua nhiều biến thiên của thời gian và chiến tranh, công trình hiện xuống cấp nặng nề.
Được xây dựng năm 1830 (năm Minh Mạng 11), đấu trường phục vụ mục đích tổ chức những cuộc đấu giữa voi và hổ.
Đây là một công trình lộ thiên hình vành khăn có kiến trúc hoành tráng thời bấy giờ. Vòng thành trong cao 5,9 m; vòng thành ngoài cao 4,75 m. Chu vi tường ngoài Hổ Quyền là 145 m, đường kính lòng chảo là 44 m. Vât liệu xây dựng bằng gạch vồ, đá thanh và vôi vữa tốt.
Khán đài vua ngồi ở mặt Bắc được xây cao hơn so với các vị trí chung quanh và cơi nới ra sau tạo một không gian tương đối rộng. Bên trái khán đài là hệ thống bậc cấp đi lên gồm 24 cấp dành cho vua và các quốc thích đại thần. Bên phải có hệ thống bậc cấp khác xây tương tự dành cho quan chức và binh lính.
Đấu trường độc nhất vô nhị của Việt Nam. Ảnh: Điền Quang. |
Từ khán đài này nhìn qua phía đối diện, người ta có thể nhận ra 5 chuồng cọp nằm ngay trong lòng đấu trường. Hệ thống cửa ở các chuồng hổ là các cửa gỗ được đóng mở bằng cách kéo dây từ trên xuống.
Vào bên trong những chuồng nhốt hổ, nhiều vết cào xước hằn lên các bức tường.
Anh Tuấn giải thích, hổ được đưa tới nhốt sẵn trong chuồng để chuẩn bị cho trận đấu một mất một còn với voi. "Do tiếng ồn ào của đám đông khán giả cùng với trống kèn nên con vật càng trở nên hung dữ, gây ra những vết cào trên tường", anh nói.
Theo ông Hồ Tấn Phan, Nhà nghiên cứu văn hóa Huế, đấu trường cổ Hổ Quyền là công trình có kiến trúc độc nhất vô nhị không chỉ ở Việt Nam mà còn của thế giới, dù xét về quy mô, nó không sánh bằng đấu trường Colosseum (Italy) nổi tiếng.
"Trên thế giới từ cổ chí kim, chưa có triều đại nào trong lịch sử cho xây dựng một công trình phục vụ cho việc đấu giữa hổ và voi", ông Hồ Tấn Phan cho biết.
Cửa các chuồng nhốt hổ mở vào trong đấu trường. Ảnh: Điền Quang. |
Nghi thức tổ chức các trận quyết đấu giữa voi và hổ rất trang trọng. Ngày đấu, dân chúng địa phương quanh vùng đặt hương án, lễ vật. Chung quanh đấu trường bày nghi trượng, cắm cờ dựng lọng. Một đội lính mặc áo đỏ đội nón sơn, cầm khí giới nghiêm trang cung kính đứng hai bên đường từ đấu trường đến bờ sông. Suốt trên đoạn đường này, người ta phải trải chiếu hoa để đón nhà vua.
Đúng chính Ngọ (12h trưa), vua cùng đoàn tùy tùng ngự thuyền rồng đến bến đò Long Thọ. Khi thuyền áp sát bờ sông, vua lên kiệu che bốn lọng vàng và bốn tàn vàng. Đi trước là lính Ngự lâm quân, rồi Thị vệ cầm cờ Tam tài, cờ Ngũ hành, cờ Nhị thập bát tú, gươm tuốt trần; tiếp theo là đội nhạc cung đình. Các quan lại trong triều quỳ nghênh đón ở chiếu hoa trải trên đường rồi theo vua vào cổng giữa lên khán đài.
Trận tử chiến giữa voi và hổ chỉ diễn ra mỗi năm một lần. Các vua Nguyễn là người tổ chức, cũng là người điều khiển, vừa là khán giả rất nhiệt tình cổ vũ cho trận đấu cho đến khi voi quật chết hổ mới thôi.
Voi được đưa ra đấu trường. Ảnh: Pierre Dieulefils. |
Theo sử sách, các trận đấu không chỉ mang tính giải trí thông thường mà còn xuất phát từ nhu cầu rèn luyện tượng binh, một binh chủng rất lợi hại của quân đội xứ Đàng Trong và là lễ hội lớn do triều đình tổ chức nhằm khích lệ tinh thần thượng võ trong dân chúng. Tuy nhiên, theo ông Hồ Tấn Phan, công trình được xây dựng với ý nghĩa giải trí nhiều hơn.
Dưới thời nhà Nguyễn, voi là biểu tượng cho sức mạnh và quyền lực tối thượng tượng trưng cho triều đại nên phải luôn là kẻ chiến thắng, còn hổ đại diện cho thế lực quân địch hung tàn nên là kẻ thua cuộc.
Vào thời vua Minh Mạng, trong một trận huyết chiến với voi, con hổ hung dữ đã bất ngờ vồ nhảy lên trên khán đài khiến mọi người kinh hồn bạt vía. Vì vậy, đến thời vua Thành Thái, vua đã cho xây dựng nâng khán đài lên cao hơn.
Trận đấu cuối cùng của voi và hổ được tổ chức vào năm 1904 dưới triều vua Thành Thái.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét