Ý NGHĨA CỦA CẶP “TRƯỜNG CÔN”
TRONG CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU, BẢO TỒN
VÕ CỔ TRUYỀN Ở HUYỆN ĐIỆN BÀN
* Võ sư Trần Xuân Mẫn
I) CẶP "TRƯỜNG CÔN" CỔ Ở BẢO TÀNG HUYỆN ĐIỆN BÀN:
Sau mười năm xa Quảng Nam, giữa năm 2009 võ sư Hoàng Tùng về Hội An tìm tôi, đề nghị hợp tác với anh khôi phục môn “Thi đấu roi trường” đã thất truyền từ đầu thế kỷ XX.
Vấn đề trở ngại lớn nhất của chúng tôi là đã gần một trăm năm qua không còn ai thấy roi trường và không có võ đường nào dạy môn roi trường. Tư liệu liên quan đến roi trường rất ít ỏi và chỉ có hai nguồn:
Nguồn thứ nhất là cách nay gần ba mươi năm, nhà xuất bản tổng hợp Nghĩa Bình đã cho phát hành quyển sách "Miền đất võ" giới thiệu võ Tây Sơn-Bình Định của một tập thể gồm ba tác giả: Lê Thì, Đỗ Hoá và võ sư Kim Dũng.
Theo "Miền đất võ", các tác giả cho biết trong quá trình đi điền dã xuống các võ đường kỳ cựu ở Bình Định để sưu tập tư liệu viết sách thì ghi được "Chuyện thi võ đời Nguyễn" (theo Quách Tạo) có đọan như sau: Roi trường là một loại roi dùng để thi đấu phân hạng cao, thấp, nhằm tìm ra thủ khoa, á khoa, sau khi các thí sinh đã qua trường 3 ở các kỳ thi võ (Trường 3 là trường thi Điện lấy Tạo sĩ võ, tương đương với trường thi Đình lấy Tiến sĩ văn - TG). Về sau, vào các ngày lễ Quốc khánh của Pháp (ngày 14 tháng 7), lễ Vạn Thọ (sinh nhật của vua Bảo Đại) và các dịp tổ chức từ thiện, thi đấu roi trường còn được tổ chức như một trò thể thao nhằm thi thố sự khôn ngoan, khéo léo và thể lực của những người tham gia.
Các tác giả cũng cho biết: "Khi các thầy thi trường 3 hợp cách thì ban Giám khảo mở kỳ phúc hạch để phân hạng. Đó là cuộc đấu roi trường. Roi được làm bằng một thứ gỗ rất rắn, dẻo, chắc và dài 7 thước 5 (bằng 2,625 mét), đầu lớn to bằng cổ tay, đầu nhỏ bằng cán cuốc. Để tránh nguy hiểm khi đấu, ở đầu nhỏ có bọc giẻ, trong có tóc. Để tính điểm, bọc giẻ được làm lọ nồi trên đầu, người bị đâm trúng sẽ giữ lại một dấu lọ tròn không cải được".
Nguồn thứ hai là những câu chuyện do một số lão võ sư ở Quảng Nam có độ tuổi 80 - 90 vào những năm 1980 - 1990 kể lại. Theo những câu chuyện đó thì roi trường dài hơn 3 thước tây (3 mét) và khi thi đấu roi trường, các võ sĩ không được đâm roi vào mặt, đầu đối phương, vì cho rằng như thế là "phạm Tổ".
Ở đầu ngọn roi có buộc một bọc giẻ to gần bằng nắm tay, bên trong là tóc thì hòan tòan giống như nội dung đã ghi trong sách "Miền đất võ". Có một chi tiết hơi khác là trong "Miền đất võ" cho biết các bọc giẻ được làm lọ nồi trên đầu còn các lão võ sư kể lại thì cho biết các bọc giẻ được chấm vào mực xạ (tức mực Tàu) trước khi thi đấu.
Chính vì cả hai nguồn tư liệu trên đều chỉ qua lời kể chuyện của các lão võ sư ở Bình Định và ở Quảng Nam chứ chưa có ai trực tiếp thấy cây roi trường nên có một số người "bán tín bán nghi" là liệu trong các binh khí, dụng cụ tập luyện, thi đấu của võ cổ truyền có roi trường hay không? Và nếu có, thì roi trường là của võ cổ truyền Trung quốc hay của võ cổ truyền Việt Nam?.
Trong lúc đó, vào khoảng tháng 8 năm 2009 tôi được võ sư Hoàng Vũ (tức Phan Ngô Hoàng) báo cho biết là ở bảo tàng huyện Điện bàn có cặp roi trường giống như "Miền đất võ" đã miêu tả. Qua tiếp cận cặp roi hiện vật, xin ghi lại như sau: "Đó là cặp Roi trường (mà người ta còn gọi bằng một tên khác theo từ Hán Việt là Trường côn) làm bằng gỗ kiền kiền nguyên cây con từ gốc đến ngọn, có màu nâu sẫm. Mỗi chiếc có chiều dài 3,12 mét, đốc roi tròn có đường kính 3 centimét, nhỏ dần lên đến ngọn roi thì đường kính chỉ còn 2 centimét. Cách đầu ngọn roi 1,5 centimét có một đường rãnh khắc vòng quanh. Tuy các bọc giẻ như mô tả của "Miền đất võ" và các võ sư cao niên Quảng Nam kể lại thì không còn nhưng đường rãnh đó cho thấy đây chính là nơi để người ta cột bọc giẻ vào đầu ngọn roi".
Theo người nhân viên quản thủ bảo tàng cho biết thì "Cặp trường côn đã được ông Nguyễn Bá Giáng, quê quán ở thôn Thanh Chiêm, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, sử dụng vào những năm 1865-1870".
II) NHỮNG Ý NGHĨA CỦA CẶP TRƯỜNG CÔN Ở BẢO TÀNG HUYỆN ĐIỆN BÀN:
1. Cặp trường côn ở bảo tàng huyện Điện Bàn là di sản văn hóa vật thể quí hiếm:
Qua sự tìm hiểu của chúng tôi khi gặp hơn 30 võ sư của Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa ở cuộc Hội thảo "Phục chế roi đấu kháng" tại bảo tàng Quang Trung, tỉnh Bình Định, từ ngày 20 đến 22/9/2009 và qua tìm hiểu ở nhiều địa phương có truyền thống võ cổ truyền lâu đời, có thể nói chắc chắn rằng cặp trường côn ở bảo tàng huyện Điện bàn là cặp roi trường cổ "hiếm hoi" còn lại của nước ta, nếu không muốn nói đó là cặp roi cổ "duy nhất còn sót lại" khi bộ môn thi đấu khoa cử võ cổ truyền thịnh hành một thời đã trôi vào quá khứ.
Nói cho chính xác thì cặp trường côn ấy là di sản văn hóa vật thể quí hiếm của dân tộc đang được chính quyền và nhân dân huyện Điện Bàn nắm giữ.
2. Cặp trường côn ở bảo tàng huyện Điện bàn đã lý giải được vấn đề "Roi trường là roi đấu":
Thông thường, Roi trong binh khí võ cổ truyền Việt Nam được chia ra thành 3 loại: Roi dùng để tập trận ở bãi tập gọi là "roi trận", roi dùng để chiến đấu ở chiến trường gọi là "roi chiến" và roi dùng để thi đấu ở đấu trường gọi là "roi đấu". Thực ra, roi trận với roi chiến gần như là một về hình thù (cùng một cây roi nhưng khi tập trận gọi là roi trận còn khi chiến đấu gọi là roi chiến) chỉ có roi đấu là chuyên dùng cho việc thi đấu để phân tài cao thấp.
Khi nói về roi trường, có nhiều người cho rằng roi trường là roi chiến, được dùng để chiến đấu giết giặc ở chiến trường (?)
Quan sát cặp trường côn ở bảo tàng huyện Điện bàn, chúng tôi thấy cách đầu ngọn khoảng 1,5 centimet có một đường rãnh khắc sâu. Đường rãnh đó dùng để cột bọc giẻ có độn tóc bên trong như quyển sách "Miền đất võ" và các lão võ sư cao niên cho biết. Bọc giẻ và tóc đều là những vật thuộc chất liệu mềm thì không thể gây sát thương đối phương, mà một loại binh khí được chế tác không làm đối phương bị thương thì không thể là vũ khí chiến đấu. Để rõ hơn, chúng ta có thể liên hệ để thấy bọc giẻ độn tóc ở đầu trường côn giống như chiếc găng tay mềm sử dụng cho võ sĩ thi đấu trên võ đài.
Như vậy, dựa vào cặp trường côn ở bảo tàng huyện Điện bàn với hình thù còn nguyên vẹn như hiện nay, có thể khẳng định chắc chắn rằng: Trường côn (tức roi trường) là dụng cụ dùng để thi đấu phân tài cao thấp của võ cổ truyền (tức là "roi đấu") chứ không phải là vũ khí (gọi là "roi chiến") để giết giặc.
III) VẤN ĐỀ TỒN NGHI CẦN TÌM LỜI GIẢI ĐÁP VỀ CẶP TRƯỜNG CÔN Ở BẢO TÀNG HUYỆN ĐIỆN BÀN:
Theo "Miền đất võ" thì lúc đầu, roi trường là dụng cụ thi đấu khoa cử để chọn thủ khoa, á khoa ở các kỳ thi điện lấy Tạo sĩ (Tiến sĩ võ) dưới triều Nguyễn. Vể sau, dưới thời vua Bảo Đại thì roi trường là dụng cụ thi đấu mang tính thể thao vào dịp lễ Quốc khánh của Pháp, lễ Vạn Thọ (sinh nhật của vua) và các đợt tổ chức làm từ thiện lớn.
Như vậy, cặp trường côn ở bảo tàng huyện Điện Bàn là cặp roi trường sử dụng trong khoa cử hay trong thi đấu thể thao?
Theo sách "Đại Nam Thực Lục" thì dưới triều Nguyễn tổ chức được 7 khoa thi Hội nhưng trong đó chỉ có 3 khoa thi đầu tiên vào các năm Tự Đức thứ 18 (1865), Tự Đức thứ 21 (1868) và Tự Đức thứ 22 (1869) mới tổ chức được trường thi Điện lấy được 8 Tạo sĩ (Tiến sĩ võ) và 48 Phó bảng võ. Bốn khoa thi còn lại tổ chức vào các năm Tự Đức thứ 24 (1871), Tự Đức thứ 28 (1875), Tự Đức thứ 32 (1879) và Tự Đức thứ 33 (1880) đều dừng lại ở trường thi Hội với số người đỗ là 62 Phó bảng võ, vì các thí sinh có quá ít người biết chữ, không thi văn sách được.
Như vậy, thi đấu roi trường khoa cử được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1865 (trong khoa thi lấy Tạo sĩ đầu tiên vào năm Tự Đức thứ 18) và chấm dứt vào năm 1869 (trong khoa thi lấy Tạo sĩ cuối cùng vào năm Tự Đức thứ 22).
Hai con số 1865 và 1869 khớp đúng với ghi chép về cặp trường côn ở bảo tàng huyện Điện bàn là: "Cặp trường côn đã được ông Nguyễn Bá Giáng, quê quán ở thôn Thanh Chiêm, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, sử dụng vào những năm 1865-1870".
Căn cứ vào các con số chỉ những năm tổ chức thi Điện lấy Tạo sĩ dưới thời Tự Đức gần như khớp đúng toàn toàn với những con số chỉ thời gian ông Nguyễn bá Giáng sử dụng cặp trường côn thì có thể khẳng định rằng: Cặp trường côn ở bảo tàng huyện Điện Bàn là cặp roi trường sử dụng trong khoa cử.
Và hiện nay có vấn đề tồn nghi cần được khảo sát, tìm hiểu và lý giải là:
Ông Nguyễn Bá Giáng đã tập luyện để đến kỳ thi Điện do vua làm Chánh chủ khảo nhưng việc tập luyện, đi thi này có hòan thành không? Nếu hòan thành, thì kỳ thi đó là kỳ thi vào năm nào? Năm Tự Đức thứ 18 (1865), năm Tự Đức thứ 21 (1868) hay là năm Tự Đức thứ 22 (1869)?
Và ông Nguyễn bá Giáng thi đỗ đến cấp nào là cao nhất? Tạo sĩ hay Phó bảng?
Giải đáp được vấn đề này sẽ ghi nhận thêm được bề dày truyền thống võ học của huyện Điện Bàn nói riêng và Quảng Nam nói chung dưới chế dộ khoa cử triều Nguyễn./.
*TXM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét