Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2019

GIẢNG VÕ ĐƯỜNG


Vị trí của Giảng Võ Trường trong bản đồ Hà Nội xưa. 
Ảnh vẽ lại trên nền bản đồ Hồng Đức
Giảng Võ Trường (nơi huấn luyện võ thuật và binh pháp) có từ thời Lê.

Vào ngày 2-4-1983, công trình thi công hồ Ngọc Khánh được khởi công nằm giữa ba con phố: Kim Mã, Cầu Giấy và Nguyễn Chí Thanh. Vùng này vốn thuộc địa phận thôn Ngọc Khánh, xã Giảng Võ của quận Ba Đình, Hà Nội. Một kho vũ khí được lấy lên từ lòng đất với số lượng hàng vạn loại, bao gồm: Súng lệnh bằng đồng, đạn đá, giáo sắt, giáo đồng...
Súng lệnh bằng đồng có chiều dài 39cm, có nòng, bầu nòng để nạp thuốc súng, rãnh khoan lỗ cắm dây cháy chậm. Khi bắn, người lính sẽ đốt dây cháy chậm làm nổ thuốc súng, đẩy pháo hiệu lên cao phát sáng làm hiệu lệnh cho quân sĩ. Đây có lẽ là một loại súng cầm tay cổ xưa nhất tìm được trong thời Lê sơ. Qua những chữ khắc trên súng được biết niên đại của súng vào khoảng năm 1466 dưới thời Lê Thánh Tông.
Lòng đất Ngọc Khánh còn cung cấp hơn 1.000 viên đạn đá ở gần khu ruộng vốn có tên là Bãi Đạn. Đó là những viên đá hình cầu, đường kính lên tới khoảng 12cm. Việc đào được khá nhiều đạn đá ở nơi có tên gọi như vậy lại càng chứng tỏ vùng Ngọc Khánh vốn là một phần của thao trường xưa còn lưu lại các tên dân gian như “Bãi Đạn”, “Trường Bắn”. Một số viên đạn còn ám khói chứng tỏ chúng được bắn đi từ nòng của một khẩu “thần cơ” nào đó, dùng sức ép của thuốc nổ bắn đạn đá.
Bên cạnh súng, đạn còn có những vũ khí “lạnh” như giáo sắt, giáo đồng hình lá lúa, giáo có một ngạnh, loại giáo lớn có tên là “mũi trường”, loại câu liêm, đinh ba, kiếm, qua, lao 3 ngạnh...
Một số vũ khí đánh xa lợi hại như móc câu chùm quăng xa cho dính vào đối phương để bắt sống hoặc quăng móc vào thuyền để giữ thuyền cho lính nhảy sang đánh thuyền địch. Một số mũi tên sắt đi kèm với những chiếc nỏ gỗ. Vũ khí phòng ngự có mũi chông 3 ngạnh...
Sưu tập vũ khí dưới lòng hồ Ngọc Khánh đã cho ta thấy trình độ quân sự của thời Lê sơ, ít ra cũng vào thời thịnh trị dưới triều Lê Thánh Tông. Đó là những vũ khí lợi hại, có thể đã có một số loại được dùng trong các trận chiến với giặc Minh từ thời Lê Lợi. Những vũ khí này đã làm cho Vương Thông, Liễu Thăng nhiều phen phải sợ “mất mật” khi nghĩa quân đã “đánh một trận sạch sanh kình ngạc, đánh hai trận tan tác chim muông” như lời Bình Ngô Đại Cáo nói đến.
Kho vũ khí thời Lê sơ được phát hiện năm 1983 giữa lòng hồ Ngọc Khánh đã được các nhà sử học khẳng định là thuộc vào một khu vực huấn luyện quân sự nổi tiếng có tên Giảng Võ Trường. Từ bản đồ thời Lê Hồng Đức có ghi dấu, thư tịch chép lại địa danh này đã hiển hiện bằng chứng di vật quan trọng trong lòng đất. Nhưng tại sao những vũ khí đó lại nằm... dưới lòng hô? Đó là do “vật đổi sao dời”, nơi xưa kia là Giảng Võ Trường đã bị san lấp, đào hồ mới.
Sử sách còn ghi lại: Vào năm 1467, vua Lê đã sai đào hồ ở đình Giảng Võ. Đến năm 1481, khu vực này lại được đào một cái hồ lớn có tên là Hải Trì, quanh co đến 100 dặm. Giữa hồ có điện Thúy Ngọc, bên hồ xây điện Giảng Võ. Đến thời hiện đại, việc đào hồ mới vẫn tiếp tục đã làm cho cảnh vật khu Giảng Võ đầy biến động mà ngẫu nhiên tìm được kho vũ khí này.
Thư tịch cổ còn chép, Giảng Võ Trường trước còn có tên là Giảng Võ Đường được lập ra vào tháng 8 năm Nguyên Phong thứ ba (1283), ngay sau khi nhà Trần đại thắng quân Nguyên Mông dưới sự lãnh đạo của vua đầu triều là Trần Thái Tông. Khi đó, Nhà nước Đại Việt đã củng cố xã tắc. Bên ngành văn, vua cho lập Quốc học viện (nay vẫn còn di tích là Quốc Tử Giám). Bên ngành võ, vua sai lập Giảng Võ Đường.
Đến thời Lê Thánh Tông, vào năm 1478, nhà Lê đã lấy sân điện Giảng Võ làm nơi quân tướng tập trận. Từ đó, Giảng Võ mới trở thành nơi huấn luyện quân sĩ lớn nhất Kinh thành Thăng Long. Vào thời vua Lê Hiến Tông, Giảng Võ lại là nơi nuôi voi trận. Chuồng voi ở đây được lợp ngói, có cả những người lính kiêm quản tượng ở vùng Bắc Giang chuyên huấn luyện voi. Đến thời điểm này, trong biên chế của quân đội Đại Việt có thêm một binh chủng đặc biệt: Tượng binh.
Giảng Võ còn là nơi để duyệt binh. Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại: “Chúa ngự ở lầu Giảng Võ... duyệt quân thủy và bộ, bày thuyền ghe, voi ngựa để phô bày sự cường thịnh”. Đó là vào năm 1630, thời vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tráng. Qua thư tịch, ngày nay ta còn biết được vị trí của Giảng Võ xưa khá gần với sông Tô Lịch và dòng sông này trước đây khá lớn, có thể đứng ở Giảng Võ mà xem duyệt binh trên sông Tô Lịch được.
.
Những chiếc giáo có ngạnh đào được ở hồ Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội. 
Ảnh: Tư liệu
Đội tượng binh của nhà Lê đã chọn khá nhiều voi ở các nơi về để tập luyện ở Giảng Võ. Có khi, voi trận còn tham gia cuộc đấu khốc liệt với... hổ để cho vua Lê Thánh Tông và quân sĩ xem, giải trí. Nhiều lần voi còn được mang ra đấu với... dê rừng. Dê bị cùng đường, dương sừng ra húc làm voi hết sức sợ hãi.
Trong số vũ khí tìm thấy ở Giảng Võ Trường, có thể có những vũ khí luyện voi lợi hại như các loại giáo dài và câu liêm.
Trong lịch sử quân sự nước ta, cái tên Giảng Võ Trường rất nổi tiếng, ngay sát chân thành Thăng Long. Đây vừa là doanh trại huấn luyện quân đội tinh nhuệ của nhà Lê, đặc biệt là đội quân voi trận, lại vừa là một căn cứ quân sự lớn để bảo vệ Hoàng thành Thăng Long nơi có vua thiết triều cùng văn võ bá quan.
Trịnh Sinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét