Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2019

KHÔI PHỤC THI ĐẤU ROI TRƯỜNG


KHÔI PHỤC THI ĐẤU ROI TRƯỜNG,
MỘT LOẠI VÕ KHÍ CỔ TRUYỀN VIỆT NAM

(bản dịch từ VS. Trần Xuân Mẫn)
     Ở các võ đường võ cổ truyền Việt Nam, Côn hoặc Roi được chia làm 2 loại: Loại ngắn và loại dài. Roi ngắn (1,5 m - 1,7 m) được dùng để tập luyện và chiến đấu, và roi dài (hơn 3 m) được dùng trong thi đấu.
     Vào năm 2010 (*), dựa vào cơ sở những tư liệu lịch sử và hiện vật được lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Nam (**), học viện Võ thuật Tây Sơn, Bình Định và các võ sư võ cổ truyền của Quảng Nam, Đà Nẵng và Khánh Hoà (***) đã khôi phục phương cách sử dụng thực hành roi trường bị thất truyền gần một thế kỷ qua.
     Roi trường dài 3 m đến 3,5 m, được làm bằng gỗ kiền kiền dẻo, thân trơn, có đường kính 3 cm ở gốc nhưng đến ngọn ch còn 2 cm. Ngọn trên cao được gắn bọc vải để tránh gây sát thương cho đối thủ.
     Trong khi thi đấu, cấm sử dụng một số đòn, mục đích là (đấu sĩ) thể hiện tài năng và sự linh hoạt, không gây ra thương tích cho đối thủ. Các đấu sĩ mang giáp che thân, một người giáp xanh, một người giáp đỏ, và mặt nạ bảo hộ. Sau một hồi trống, hai đấu sĩtheo lệnh trọng tài vào vòng tròn thi đấu có đường kính 8 mét, trên tay cầm roi trường. Một cuộc đấu gồm 3 hiệp, mỗi hiệp kéo dài 3 phút và hai đấu sĩ nghỉ giải lao 1 phút giữa hai hiệp. Điểm được tính theo cách như sau: Đâm đối thủ bị trúng thân được 1 điểm, trúng đầu được 2 điểm, làm đối thủ bị ngã được 4 điểm, làm đối th bị rơi roi được 5 điểm.
     Theo võ sư Trần Xuân Mẫn ở võ đường Kỳ Sơn, dưới triều nhà Nguyễn ở thế kỷ 19, roi trường là một môn thi võ cổ truyền để tuyển chọn quan chức cho triều đình, đồng thời cũng để phong cấp bậc cao (như quan võ trong quân đội chẳng hạn). Cuối triều Nguyễn, khi những cuộc thi võ không còn nữa, đấu roi trường trở thành một trò chơi thể thao thông dụng.
     Công việc khôi phục thi đấu roi trường và làm cho nó trở thành trò chơi thể thao dân gian của các võ sư võ cổ truyền được đánh giá rất cao bởi vì việc đó đã góp phần bảo tồn và phát triển tinh hoa của võ thuật cổ truyền Việt Nam./.
     Ghi chú:
     (*) Thời điểm chính thức bắt đầu công việc khôi phục roi trường là Hội thảo phục chế roi đấu kháng tại bảo tàng Quang Trung, tỉnh Bình Định, từ ngày 20 đến 22 /11/2009
     (**) Nói cho đúng là "Bảo tàng huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam"
     (***) Nói cho đầy đủ là còn có nhiều võ sư tỉnh Bình Định như lão võ sư Phan Thọ, lão võ sư Lý Xuân Hỉ...
                                                                                        * Võ sư Trần Xuân Mẫn
                                                         (Phó ban tổ chức Hội thảo phục chế roi đấu kháng, 20-22/11/2009)
CÁC VÕ SƯ VỀ DỰ HỘI THẢO

KHAI MẠC HỘI THẢO

CỐ VÕ SƯ NGÔ BÔNG (TRÁI, QUẢNG NGÃI) VÀ LÃO VÕ SƯ PHAN THỌ (PHẢI, BÌNH ĐỊNH)
TẠI CUỘC HỘI THẢO PHỤC CHẾ ROI ĐẤU KHÁNG (KHÔI PHỤC ROI TRƯỜNG)

THẺ CỦA BAN TỔ CHỨC

CỐ VÕ SƯ HOÀNG TÙNG
NGƯỜI KHỞI XƯỚNG VÀ TẠO ĐIỀU KIỆN TỔ CHỨC HỘI THẢO

VÕ SƯ TRẦN XUÂN MẪN (PHẢI) VÀ VÕ SƯ HUỲNH TIẾN LẬP (TRÁI)
VỚI CẶP ROI TRƯỜNG TẠI BẢO TÀNG HUYỆN ĐIỆN BÀN, TỈNH QUẢNG NAM


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét