Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2019

80 NĂM VOVINAM (1938 - 2018)


Vovinam Việt Võ Đạo ra đời trong thời kỳ cả nước đang sôi sục tinh thần kháng chiến chống thực dân Pháp. Đó là năm 1938, khi võ sư Nguyễn Lộc sau thời gian tìm tòi học hỏi và nghiên cứu nhiều môn võ, dựa trên võ vật dân tộc cùng tinh hoa của những môn võ trên thế giới, ông đã sáng tạo ra một hệ thống kỹ thuật võ học mới được gọi là Vovinam nghĩa là võ Việt Nam.
Năm 1939, Vovinam ra mắt công chúng lần đầu tiên tại Nhà hát lớn Hà Nội. Việt Võ Đạo đề cao tinh thần cách mạng tâm thân, luyện võ cũng là rèn luyện tính cách và nâng cao tinh thần dân tộc. Sự phát triển mạnh mẽ của Vovinam khiến nhà cầm quyền Pháp e ngại và ra lệnh cấm không cho võ sư Nguyễn Lộc dạy. Tháng 7/1954, ông vào Nam cùng một số môn sinh tâm huyết để mở võ đường tại Sài Gòn.
Tại miền Nam, môn võ này phát triển mạnh mẽ trong học đường với nhiều CLB lớn nhỏ. Từ 1960, sau khi võ sư Nguyễn Lộc qua đời, võ sư Lê Sáng tiếp nhận chức Chưởng Môn phái và chịu trách nhiệm phát triển và quảng bá rộng rãi Vovinam ra toàn thế giới.
Sau nhiều khó khăn thử thách môn võ Việt này từng bước khẳng định mình để trở thành niềm tự hào của dân tộc. Liên đoàn Vovinam Việt Nam (VVF) được thành lập vào 10/2007 tại TPHCM. Đây là cột mốc quan trọng để môn Vovinam sự phát triển mạnh mẽ cả ở trong nước và thế giới.
Đến nay, VVF trải qua 3 nhiệm kỳ: nhiệm kỳ I (2007 - 2011), nhiệm kỳ II (2012-2016) và nhiệm kỳ II (2017 – 2022). Chủ tịch VVF hiện tại là ông Mai Hữu Tín.
Đặc biệt, Đại hội thành lập Liên đoàn Vovinam Thế giới (WVVF) được tổ chức ngày 25 - 26/9/2008 tại TPHCM, có sự tham dự của 60 đại biểu đến từ 19 quốc gia và tố chức quốc tế. Giáo sư Nguyễn Danh Thái - Thứ trưởng thường trực Bộ VH-TT&DL, Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam được bầu làm Chủ tịch WVVF.
Sau đó Đại hội Liên đoàn vovinam thế giới nhiệm kỳ 2 (2017-2022) diễn ra ngày 2/8/2017 tại thủ đô New Delhi (Ấn Độ) với sự tham dự của 60 đại biểu đến từ 30 quốc gia, vùng lãnh thổ. Ông Mai Hữu Tín - Chủ tịch Liên đoàn vovinam Việt Nam được bầu vào chức Chủ tịch Liên đoàn vovinam Thế giới.
Sau 80 năm hình thành và phát triển, Vovinam Việt Võ Đạo đã có gần 2,5 triệu môn sinh của hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tập luyện. Các liên đoàn được thành lập: Liên đoàn Vovinam thế giới, Liên đoàn Vovinam châu lục: Châu Á, Châu Âu, Châu Phi, Liên đoàn Vovinam Đông Nam Á, Liên đoàn Vovinam các nước Arab,… Chính phủ Việt Nam đồng ý đưa Vovinam vào dạy trong trường học khi 2 lần được tổ chức thi đấu Hội khoẻ Phù Đổng toàn quốc (năm 2012, năm 2016), 2 lần liên tiếp tổ chức giải vô địch Vovinam học sinh toàn quốc (năm 2017, 2018).
Hơn 40 trường Đại học, Cao đẳng tại Việt Nam có phong trào Vovinam. Môn võ này cũng được đưa vào thi đấu tại Đại hội thể thao sinh viên toàn quốc năm 2015, giải vô địch Vovinam sinh viên toàn quốc. Riêng đại học FPT đã đưa Vovinam thành Bộ môn chính khóa (thay các môn Thể dục Thể thao trước đây) để giảng dạy cho sinh viên các ngành chuyên môn.
Về phương diện quốc tế, Vovinam 2 lần liên tiếp được đưa vào tổ chức thi đấu tại SEA Games (SEA Games 26 tại Indonesia năm 2011, SEA Games 27 tại Myanmar năm 2013), 5 lần tổ chức giải vô địch Đông Nam Á, 5 lần tổ chức giải vô địch châu Á, châu Âu, châu Phi và 5 lần tổ chức giải vô địch thế giới. Ngoài ra, Vovinam còn góp mặt tại Đại hội thể thao trong nhà Châu Á năm 2009 và Đại hội thể thao bãi biển Châu Á năm 2016.
Một vinh dự rất lớn mà Vovinam là môn võ duy nhất có được đó là được biểu diễn tại Quốc yến của Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chiêu đãi các vị nguyên thủ quốc gia. Lần đầu tiên vào ngày 8/11/2017 khi Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chiêu đãi thủ tướng Canada ông Justin Trudeau. Tiếp đó, ngày 7/12/2018, Vovinam được biểu diễn tại Quốc yến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chiêu đãi Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen.
Có thể nói cùng với Phở, Áo Dài…Vovinam đã trở thành một biểu tượng đặc trưng của đất nước Việt Nam, góp phần quảng báo hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra khắp thế giới./.















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét