Thứ Hai, 28 tháng 1, 2019

TẢN MẠN VỀ CÁC NGUYÊN LÝ TRONG VÕ THUẬT

VOVINAM

NGUYÊN LÝ CƯƠNG NHU PHỐI TRIỂN

TRONG GIAO TIẾP 

Cứng và Mềm (Cương và Nhu)

Cứng (cương) là 1 biểu hiện của Dương và mềm (nhu) là 1 biểu hiện của Âm. Âm và Dương là 02 thực thể đối lập tạo nên toàn bộ vũ trụ theo học thuyết âm – dương của triết học phương đông. Cứng và mềm là 2 mặt đối lập. Cứng quá cũng không tốt, mềm quá cũng không tốt. Trong cứng có mềm và trong mềm có cứng, lúc nào cứng, lúc nào mềm cần phải linh hoạt. Khi dương phát triển đến thái dương thì trong lòng nó đã xuất hiện thiếu dương rồi, khi âm phát triển đến thái âm thì trong lòng nó đã xuất hiện thiếu âm rồi. Sở dĩ gọi là âm vì trong nó phần âm lấn phần dương, sở dĩ gọi là dương vì trong nó phần dương lấn phần âm. Âm dương bao giờ cũng nương tựa vào nhau. Sách Lão Tử viết: “phúc là chỗ núp của họa, họa là chỗ dựa của phúc”.





    Thông thường việc đối nhân xử thế cần mềm mỏng, phương pháp này như dòng nước, tuy yếu nhưng lại có sức mạnh lôi cuốn con người hết sức hiệu nghiệm. Tuy nhiên, cũng không ít người thiếu kiên quyết, ưa sự rõ ràng thì thái độ cứng rắn lại trở nên cần thiết cho họ; cần linh hoạt cương nhu khi cộng tác, giao tiếp, với họ. Nói cách khác, sự phối triển cương nhu là không cố chấp mà tùy theo tính tình, hoàn cảnh, mỗi người, mỗi sự việc để có giải pháp cương hoặc nhu.
     Trong Thủy Hử truyện, một Lý Quỳ cứng rắn như thép nhưng cuối cùng cũng bị Trương Thuận khuất phục cho 1 bài học " Chết Đi Sống Lại" , khi ấy Lý Quỳ thực sự mới biết sợ là như thế nào. Thuyết phục bằng lời hay lẽ phải không được thì sử dụng biện pháp cứng rắn khác để có hiệu quả.
    Trong hoạt động xã hội, " Cương, Nhu" thường song hành với nhau. Nếu có sự thiên lệch về một mặt rất dễ tạo cho người khác một ấn tượng, hoặc là người "yếu đuối" hoặc là người "thô bạo". Đa số sự mềm mỏng thường thành công nhưng lắm khi phải áp dụng phương pháp "tiên lễ - hậu binh" của Tôn Tử - sự cứng rắn (binh/cương) ở đây không mang tính đối kháng hay trừng trị mà cố gắng tác động đến suy nghĩ của người như một bài học khắc nghiệt mà dần dần người đó nhận thức được và thay đổi.
Tất nhiên không nên cứng rắn mãi, vì như thế người bị đối xử sẽ có cảm giác bị đè nén rồi một ngày nào đó sẽ phản ứng dữ dội. Vì vậy, để sống bình an, thuận lợi khi làm việc cần phải tùy cơ ứng biến Cương Nhu, ngay cả trong vấn đề tình cảm cũng phải biểu hiện linh hoạt, quyết đoán và rõ ràng đối với người mình yêu mến.
      Trong quan hệ Nam Nữ , tình cảm vợ chồng cũng vậy, khi mâu thuẩn nảy sinh, dẫn đến giận dõi, nhất thiết một bên phải chủ động hòa giải, đây là phép Nhu. Tuy nhiên, khi tình cảm khủng hoảng, không thể lý giải được thì cần phải tuân thủ đạo lý con người và dũng cảm khẳng khái phê bình người mà mình yêu tự đáy lòng, làm minh bạch mọi khúc mắc, đồng thời không thể nhượng bộ nếu như việc sai trái ấy vi phạm vào các qui ước xã hội hay luân lý đạo đức, đây là phép Cương.
     Cho nên, Cương Nhu khi giao tiếp không chỉ là phản ứng nhất thời mà còn là những chiến lược để sống phù hợp với chân, thiện, mỹ, lợi (cho đôi bên, cho cái chung của không gian và thời gian), là kế hoạch thể hiện lẽ sống qua lối sống cương nhu phối triển ở mọi trường hợp . 

Trên phương diện lý thuyết " Nhu thể hiện sự thân thiện, hòa mục, tu dưỡng, thông tình đạt lý. Cương thể hiện sự tôn nghiêm, nguyên tắc và sức mạnh". Chúng là hai mặt của nghệ thuật Đắc Nhân Tâm mà cơ sở tồn tại của chúng phải chân thật và hợp lý.


TRONG KỸ THUẬT ĐÒN, THẾ
Kỹ thuật Vovinam còn tuân thủ nguyên lý Cương – Nhu phối triển. Lúc bị tấn công, võ sinh thường né tránh (nhu), rồi mới phản công (cương). Bên cạnh đó, Vovinam cũng có nhiều kỹ thuật tấn công nhưng vẫn đảm bảo nguyên lý này; chẳng hạn như khi tung một cú đá tấn công hoặc phản công (cương) vào thân thể đối, võ sinh phải dùng tay che mặt và bảo vệ hạ bộ để thủ (nhu). Ngay trong phương pháp luyện tập té ngã ( không nguy hiểm, không đau), võ sinh phải lên gân và co tròn thân người lại (cương), sau đó lăn tròn thân người lúc ngã xuống (nhu) để hóa giải lực tấn công của đối phương và sức rơi của trọng lượng cơ thể. Nhờ vậy, võ sinh Vovinam tập luyện đòn thế và té ngã trên sàn gạch bình thường như trên thảm.
Nói cách khác, kỹ thuật Vovinam gồm những thế nhu nhuyễn, các đòn cương mãnh và ngay trong bản thân từng đòn thế cũng chứa đựng sự kết hợp giữa cương – nhu, giống như sự giao hòa giữa âm – dương trong thiên nhiên và xã hội. 




Cương Nhu phối triển không đơn thuần là sự bao hàm cả 2 tính cương và nhu mà nó linh động, biến hóa. Có lúc cương nhiều, nhu ít; có khi cương ít nhu nhiều; có lúc nửa cương nửa nhu, tùy theo từng hoàn cảnh cụ thể. Nguyên lý này còn thể hiện trong đời sống tinh thần và cách hành xử của võ sinh Vovinam vì:”Cương tượng trưng sự hào hùng, ý chí sắt thép, lòng cương quyết và đức Dũng của con nhà võ. Nhu biểu tượng tính nhu hòa, điềm đạm và lòng Nhân của người võ sĩ. Có cương mà thiếu nhu sẽ không biến hóa, linh hoạt theo từng hoàn cảnh cụ thể. Ngược lại, có nhu nhưng thiếu cương sẽ không phát huy được hiệu quả tối đa”.



ĐẠO CƯƠNG NHU


"Nhu thắng cang - nhược thắng cường" (Lão Tử)
Đời Trang Công, nước Tề có một chàng đêm nằm chiêm bao thấy một người to lớn, mặc áo vải quần gai... đeo gươm tự dưng đi vào tận nhà, mắng chửi, rồi lại nhổ vào mặt... mà đi.
Anh ta giựt mình tỉnh dậy... ngồi suốt đêm, bực dọc không ngủ được.
Sáng hôm sau, anh nói chuyện với một người bạn:
- Từ thuở nhỏ đến giờ, tôi vẫn là người hiếu dũng, đến nay đã sáu mươi tuổi rồi chưa hề bị phải một đứa nào làm nhục. Thế mà đêm hôm qua bị phải một đứa nào làm nhục tôi. Tôi định tìm cho kỳ được đứa ấy để báo thù. Nếu tìm thấy nó thì hay, không tìm thấy, chắc là tôi phải chết...
Rồi từ hôm ấy, cứ sáng nào anh ta cũng cùng bạn ra đứng ở ngoài đường cái để rình. Rình đã ba ngày vẫn không thấy... Anh ta về nhà uất cả người lên mà chết.[xx]
*
Câu chuyện thật là ngớ ngẩn... nhưng nó tỏ rõ được cái tâm sự của người bị nhục không biết chừng nào. Người ta ở đời có thể chịu được tất cả sự đau khổ về vật chất lẫn tinh thần, nhưng cái đau khổ của sự bị nhục thật là một thứ đau khổ thiết tha hơn tất cả sự đau khổ trong đời. Nên mới có câu: "Ninh thọ tử, bất ninh cho nhục". Thà chết, chứ chẳng thà chịu nhục.
Dầu là một kẻ tầm thường đến đâu cũng biết xem thường mạng sống mình khi gặp nhục. Xem như những cuộc phục thù rửa hận, giết hại lẫn nhau hằng ngày cũng đủ rõ. Bị nhục là điều khó nhịn nhất... mà nhịn được, ắp phải là kẻ có tiết khí hơn người... Đâu phải đó là khiếp nhược như bọn thất phu đã hiểu...
Tô Thức nói: "Kẻ mà gọi được là hào kiệt, ắt phải có tiết khí hơn người. Nhơn tình có chỗ không thể nhịn được, bởi vậy, kẻ thất phu gặp nhục thì tuốt gươm đứng dậy, vươn mình xốc đánh... Cái đó chưa đủ gọi là dũng. Những bậc đại dũng trong thiên hạ, trái lại, thình lình gặp những việc phi thường cũng không kinh, vô cớ bị những điều ngang trái cũng không giận. Đó là nhờ chỗ hoài bão của họ rất lớn và chỗ lập chí của họ rất xa".
Câu nói ấy thật là hiểu được tâm sự của những bực đại hào kiệt trong đời vậy.
Nhịn được cái điều người ta không thể nhịn được, dung được cái điều người ta không thể dung được... Phải là người độ lượng hơn người, kiến thức hơn người, điềm tĩnh hơn người, mới làm nổi...
*
Việc Câu Tiễn đánh Ngô bị thua to. Ngô Vương bắt Câu Tiễn giam ở Cối Kê ba năm, bắt chịu không biết bao nhiêu điều sỉ nhục của một người thất trận.
Nếu Câu Tiễn không dằn nổi cái nhục ấy mà tự sát thì nước Việt không mong gì khôi phục và ắt phải đến diệt vong cũng không chừng. Sở dĩ mà dằn nổi, nhân vì Câu Tiễn hoài bão rất to, lập chí rất vững... Thật là một sự kiên tâm nhẫn chí phi thường...
Từ một nước chiến bại mà làm cho nó trở nên cường thịnh đến diệt được nước Ngô và lên làm bá chủ thiên hạ, nếu không phải Câu Tiễn không sao làm nổi.
Người có một tâm hồn dũng mãnh như vậy, thế mà lắm lúc chịu đựng hết muốn nổi, tỏ ý liều chết... Phạm Lãi khuyên can: "Ngày xưa, vua Trụ giam Văn Vương ở Dũ Lý, giết con Văn Vương là Bá Ấp Khảo rồi làm mắm mà đem vào cho Văn Vương. Thế mà Văn Vương cũng chịu nhục ăn thịt con. Ta muốn thành đại sự thì cần gì những điều nhỏ mọn ấy...
*
Thấy Câu Tiễn phục lụy, khúm núm, rụt rè... Ngô Vương khinh thường, cho là khiếp nhược và có ý muốn tha. Ngũ tử Tư bèn can:
"Sao Đại Vương nghĩ lầm như vậy! Con hổ mà thu hình lại thì tất là để chực vồ đấy! Con ly rút cổ lại, tất là định đánh cướp đấy! Vua Việt vào làm tôi Vua Ngô, dẫn trong lòng oán giận, đại vương làm gì có thể biết được. Bây giờ cúi xuống mà nếm đống phẩn của đại vương, chắc đâu sau nầy không có một ngày kia ngẩng đầu lên mà ăn bộ lòng của đại vương...".
Bực hào kiệt trong đời, họ hiểu tâm sự nhau rất rõ.
Phàm ở trong thế yếu mà nuôi chí báo thù lại không có đủ đởm lược chịu được những điều sỉ nhục, ắt không bao giờ làm nên đại sự.
*
Nước Hàn có Trương Lương, tên chữ là Tử Phòng. Tổ tiên Trương Lương năm đời làm tướng nước Hán. Từ khi Tần Thuỷ Hoàng diệt nước Hán, Trương Lương đêm ngày căm hận, một lòng vì nước báo thù. Tự mình xuất ra ngàn nén vàng để kết nạp các tráng sĩ trong nước, định giết Tần Thủy Hoàng.
Sau gặp đặng một tráng sĩ sức vóc cũng khá, cầm nổi cái dùi nặng trăm cân, nên lưu ở trong nhà... Ngày kia, được tin Thủy Hoàng đi qua con đường huyện Vũ Dương, Lương bèn sai tráng sĩ núp ở trên một cái gò cao, để rình đánh Thủy Hoàng... Nhưng tráng sĩ lại đạp lầm xe, bị Thủy Hoàng đem ra giết.
Lương chạy trốn sang Hạ Bì vào ở hà Hạng Bá. Bá là bạn thân của Lương nên giấu Lương trong nhà.
*
Ở đó một ít lâu, một Trương Lương đi chơi ra ngoài thành, đến đầu Dĩ Kiều ngắm xem phong cảnh. Bấy giờ bóng chiều đã xế, chợt thấy một ông cụ già đi qua. Ông già nhìn Trương Lương lắc đầu: "Thật đáng tiếc!". Rồi bỏ đi. Đến giữa cầu lỡ đánh rơi chiếc dép xuống bùn, liền vẫy tay gọi Lương bảo:
"Này, bé con xuống lượm chiếc dép giùm ông".
Trương Lương thấy ông cụ già cốt cách khác thường liền vâng lời, lội xuống bùn, lượm chiếc dép, quỳ xuống đưa cho ông già. Ông cụ xỏ dép mà đi, lại đánh rơi lần nữa... Cũng bảo Lương xuống lượm. Lương vâng lời, lượm lên như trước... Cứ như thế đến ba lần... mà gương mặt của Lương không thấy tỏ vẻ gì bực dọc cả... Ông lão thấy vậy gật đầu khen: "Thằng bé này dạy được đấy!".
Nói xong chỉ vào gốc cổ thụ ở gần đó mà bảo Trương Lương: "Năm ngày nữa, con đến đây, ông sẽ cho một vật quý. Con phải y ước, đừng sai hẹn...".
Năm hôm sau, Trương Lương dậy sớm, y bước đến chỗ gốc cây thì đã thấy ông cụ già ngồi ở đấy rồi.
Ông cụ thấy Trương Lương thì mắng: "Đã hẹn với người già mà sao lại đến chậm? Thôi, ta hẹn cho năm ngày nữa, phải đi cho sớm".
Năm hôm sau, đầu canh năm, Trương Lương vội vàng dậy ra đi, dè đâu đến nơi lại thấy ông cụ ngồi ở đấy rồi.
Ông cụ lại mắng, rồi hẹn năm ngày nữa.
Lần nầy, Trương Lương không đi ngủ, đi ngày từ chập tối, đến gốc cây ngồi đấy để chờ. Không bao lâu thấy ông cụ phơ phới từ đằng xa đi lại. Trương Lương sụp lạy để đón. Ông cụ trao cho ba quyển sách bảo về đọc... ngày sau có thể dùng để an bang tế thế...
Trương Lương về sau quả trở nên một bực thầy của đế vương, gây dựng cơ nghiệp nhà Hán.
*
Người sau có kẻ cho là việc Tử Phòng được sách của ông lão trên cầu là một việc thần kỳ quái đản... Nhưng biết đâu đời Tần lại không có những bực ẩn quân tử bày ra những chuyện như thế để dò xét sự tế nhị trong tâm hồn của con người! Biết đâu đấy không phải là thâm ý của các bực thánh hiền họ muốn dạy bảo nhau! Bởi người ta không xét cho kỹ, nên mới cho là quái đản thần kỳ, thật... là không hiểu được chỗ dụng ý sâu xa của những bực ẩn sĩ đời xưa vậy.
Đương lúc Hàn suy vong, Tần hưng thịnh, Tần lại dùng cực hình, đao, cưa, chảo, vạc để mà thao túng kẻ sĩ trong thiên hạ. Thậm chí những kẻ nhàn cư vô sự cũng bị tru diệt không thể kể cho hết được.
Dẫu trong thiên hạ, người người đều oán hận, nhưng vì nhà cầm quyền quá gắt gao dòm ngó nên không chỗ để thi hành. Tuy vậy, lòng phẫn uất ấy cũng không để đè... Tử Phòng, cũng như muôn người khác, làm sao đè nổi cái lòng phẫn uất của mình. Bởi vậy, mới có sự dùng đến cái dũng của thất phu, thuê tráng sĩ để rình mò hành thích Thủy Hoàng. Thật bấy giờ cái chết của Tử Phòng chỉ cách một lằn tóc, nghĩ cũng thật là nguyên hiểm.
Đứa con quý không thể để cho nó chết về tay kẻ cướp. Tại sao vậy? Vì cái thân của nó rất quý, đâu có thể để cho nó chết vì kẻ cướp. Tử Phòng tài năng cái thế, tại sao không chịu mưu sự như Ỷ Doãn hay Thái Công, lại đi hành sự như Kinh Nha, Nhiếp Chánh... May mà khỏi chết cũng là một sự bất ngờ... Nên ông lão trên cầu mới than: "Thật là đáng tiếc".
Ông sở dĩ ra dáng kiêu ngạo, là vì ông biết tài năng của Tử Phòng có dư, nhưng còn sợ độ lượng của Tử Phòng chưa đủ... nên mới đày đọa cho tiêu mất cái kiêu khí của thiếu niên, đặng cho biết "nhịn việc nhỏ để thành việc lớn"... Nếu không vậy, sao xưa nay chưa biết nhau, chỉ mới gặp nhau nơi thảo dã, lại sai làm việc như kẻ tôi đòi... Nhưng mà Tử Phòng làm rất tự nhiên, không lấy gì làm lạ cả. Nên ông mới nói: "Trẻ nầy dạy được!".
Như Sở Trang Vương phạt Trịnh, Trịnh Bá trần mình dắt dê ra nghinh tiếp. Trang Vương nói: "Chúa nó dám hạ mình, thế nào cũng đặng lòng dân tín dụng". Bèn không đánh Trịnh mà rút quân về.
Câu Tiễn bị đày ở Cối kê, làm đứa ở vua Ngô ba năm, mà không nản... Nên về sau diệt được Ngô, trả được cái thù ngày trước.
Đó, phàm có chí báo thù mà không biết hạ mình được, đây là cái dũng của kẻ thất phu vậy.
Coi như Hán Cao Tổ sở dĩ thắng Hạng Vũ mà Hạng Vũ bị Hán Bái Công giết... là nhờ biết nhẫn hay không biết nhẫn mà ra. Hạng Vũ không thể nhẫn nên trăm trận trăm thắng rồi khinh dụng cái sức của mình. Cao Tổ biết nhẫn nên dưỡng sức mình để chờ Hạng Vương suy... Đó, đều là nhờ Tử Phòng chỉ bảo cho vậy...[xxi]
Lúc Hàn Tín thắng Tề muốn xưng Vương. Cao Tổ giận ra mặt... Coi đó đủ thấy người như Cao Tổ rất sành cái đạo "nhu nhược thắng cương cường" thế mà chừng ấy khí cương cường "không thể nhẫn" cũng vẫn còn... Nếu không phải Tử Phòng bấm chân, rỉ tai dạy bảo cho... thì còn ai làm nổi sự nầy. Cho nên người sau bảo: Hán đế mà làm nên nghiệp cả cũng nhờ Tử Phòng dạy cho chữ Nhẫn.
*
Xét người hào kiệt anh hùng có thể mưu đồ đại sự, người xưa thường căn cứ vào chỗ biết nhẫn hay không biết nhẫn ấy mà luận, thật cũng là khám phá.
Như Hàn Tín lúc thất thời, nghêu ngao ngoài chợ, gặp tên đồ tể điếm nhục... Nếu độ lượng của Hàn Tín còn non, chịu không nổi cái nhục vô cớ ấy... ắt về sau không bao giờ làm nên đại nghiệp. Người mà không biết đường khinh trọng, vụ nhỏ bỏ lớn, gặp nhục thì "tay tuốt gươm, vươn mình xốc đến"... người như thế mà đem binh quyền trong thiên hạ giao cho thì nguy hiểm không biết chừng nào...
Trương Lương có lẽ đã nghĩ như thế nầy.
"Diệt cái vũ dũng của Hán Vương, trong thiên hạ không ai hơn Hàn Tín. Việc luồn trôn của anh mà phần đông thiên hạ hiểu lầm là khiếp nhược... là một việc đại dũng trong đời. Với cử chỉ ấy, anh ta tỏ ra là người biết tiểu nhẫn để thành được đại mưu. Những kẻ vũ phu tiểu khí, cũng như mọi người, ắt đã đem cái "thất phu chi dũng" để thỏa mãn cái "huyết khí chi nô" của nhất thời rồi... Những kẻ như thế mà đem tánh mạng muôn quân giao cho thì đại sự ắt phải hỏng. Nếu ta muốn tìm những kẻ tay sai dưới trướng mà sức mạnh địch nổi muôn người thì kẻ dũng sĩ trong thiên hạ ta sẽ chở về cho chúa công mấy xe cũng có. Nhược bằng muốn tìm một người diệt Sở phá Tề, đồ vương định bá cho Hán Vương thì phi người đó không còn ai nữa..."
Nghĩ thế thật là suốt lẽ.
Hàn Tín khi diệt được Hạng Vũ, lên làm Sở Vương liền cho người đi tìm tên đồ tể đã làm nhục mình khi trước mà phong chức cho. Tín nói với kẻ tả hữu: "Hắn là một kẻ tráng sĩ đó. Khi hắn làm nhục ta, giá trị giết hắn đi cho hả lòng, thì lấy đâu được có ngày nay. Chỉ vì ta biết nhẫn, lập chí cao, hoài bão lớn mà ngày nay mới được như thế này... Phong cho hắn, há phải là không có ý nghĩa ư?".
Đây là cách trả thù của Hàn Tín... Nhìn sâu vào tâm sự của Hàn, ta thấy Hàn chưa đủ sức để quên các mối nhục nhỏ ấy... Bởi vậy, vừa được phong vương là nhớ đến cái nhục ngày xưa, cho người đi tìm kiếm. Phong chức cho là để tỏ cái lòng quảng đại hơn người và nhắc cho tên thiếu niên ác nghiệt nọ cái việc làm ngu dại của nó để cho nó hằng ngày hằng tưởng nhớ đến cái khoan hồng của người trượng phu cao hơn nó. Tín nghĩ: trả thù là tỏ ra mình ngang hàng với người thù. Tha thứ là đứng trên họ. Phong tước lại càng đứng trên nữa. Than ôi! Đối với một kẻ thất phu, Hàn Tín còn không thể quên được cái nhục... thảo nào đối với Hán Vương... ông không đi so đo từng việc một. Bởi cái độ lượng ấy chưa thật rộng, nên suốt đời ông mới tự chuốc không biết bao nhiêu tai họa.
*
Những kẻ cầm quyền thiên hạ lại cần phải điềm tĩnh hơn bực tầm thường, biết gác cái lòng tự ái riêng mình một bên, nếu gặp phải những trường hợp có sự tranh chấp giữa quyền lợi công và tư... Lắm khi vì thiếu điềm đạm, rồi dùng đến cái dũng của thất phu thì hỏng luôn cả đại sự. Bởi vậy, ta thấy những bực vĩ nhân làm nên việc lớn đều là những người trầm tĩnh ung dung...
Dầu là kẻ tài hoa học vấn cao đến đâu, mà thiếu điềm tĩnh, nhứt định không nên giao cho họ những việc lớn của thiên hạ. Thô lỗ, vụt chạc, nóng nảy... là một vấn đề thuộc về tính khí, không ăn chịu gì đến vấn đề thông minh trí thức cả.
*
Vua Triệu phong Lạn Tương Như làm tướng quốc. Liêm Pha cậy mình có nhiều công hơn mà lại đứng dưới nên tức giận, hăm hễ gặp mặt Tương Như thì giết đi.
Tương Như nghe nói cứ lánh mặt mãi... Một hôm Tương Như ra ngoài, gặp toán lính tiền đạo của Liêm Pha, vội bảo tên đánh xe đi tránh vào trong ngõ, đợi Liêm Pha đi qua rồi mới đi ra.
Bọn xa nhân thấy thế tức giận, bèn hợp nhau hỏi Tương Như: "Chúng tôi bỏ nhà cửa, xa thân thích đến đây hầu Ngài tức coi Ngài là bực trượng phu nên mến mà đi theo. Nay Ngài cùng Liêm tướng quân cùng hàng mà hạng thứ lại ở trên, Liêm tướng quân nói dọa Ngài đã không báo lại, đã tránh ở triều, lại tránh ở ngoài đường. Sao Ngài lại sợ quá thế vậy? Chúng tôi thật lấy làm xấu hổ, vậy xin đi, không ở nữa".
Tương Như nói: "Các người xem Liêm tướng quân có hơn được vua Tần không?". Bọn xa nhân thưa: "Không!". Tương Như nói: "Lấy như cái oai của vua Tần, thiên hạ không ai dám chống Tương Như này một mình dám mắng giữa triều đình, lại làm nhục cả quần thần nữa. Tương Như dầu hèn, há lại sợ một Liêm tướng quân ư? Nhưng ta nghĩ Tần sở dĩ không dám đánh Triệu là vì ngại có ta và Liêm tướng quân. Nay hai con hổ tranh nhau, thề không cùng sống. Tần mà nghe tin, rất thừa cơ đánh Triệu. Ta sở dĩ chịu nhục tránh Liêm tướng quân là coi việc nước là trọng mà thù riêng là khinh vậy thôi".
Bọn xa nhân quì mọp mà rằng: "Tiểu nhân chúng tôi trí hẹp làm sao độ nổi đại chí của tướng công".
Liêm Pha khi hay được việc ấy, cả thẹn than rằng: "Ta thật còn kém xa Tương Như biết mấy". Bèn trần vai áo đến trước cửa Tương Như tạ tội: "Tôi tính thô bạo, đội ân tướng quốc bao dung, nghĩ lấy làm hổ thẹn quá!".
Tương Như đỡ dậy, nắm tay cùng khóc và kết làm bạn sống chết với nhau.
*
Cho hay cái mà thiên hạ cho là rất mềm lại thường thắng được cái rất cứng của thiên hạ[xxii]. Nghĩa là nhu nhược thắng cương cường là như thế ấy.
Cổ nhân có nói: "Nuốt đặng cái cay đắng trong cái cay đắng mới làm được hạng người trên loài người". Và "Khí tượng như chim phụng hoàng liệng trên mây xanh thì những lợi hại cỏn con không động được tâm nữa"[xxiii].
*
Phần đông người ngày nay quen dùng cường lực nên cho những tư tưởng, những cử chỉ như trên là một sự yếu hèn khiếp nhược.
Người xưa, trái lại cho sự điềm đạm là triệu chứng của sự mạnh mẽ hùng dũng nhất của tâm hồn. Họ cho "nhu trung hữu cang" mà "cang trung hữu nhược"[xxiv]. Triết học kinh Dịch, nền tảng của tất cả triết học Á-Đông cổ, cho rằng trong trời đất không sự gì vật gì, mà không hàm chứa mâu thuẫn nơi trong. Cái đạo Cương nhu, Thánh nhân thường ví với cái đạo lửa nước. Lửa là cương đạo. Nước là nhu đạo. Đạo xử thế người xưa đã được bàn vỡ lẽ trong hai quẻ này vậy: quẻ Ly và quẻ Khảm.
Quẻ Ly, hai hào dương bao ngoài, còn hào chính trung là hào âm, nghĩa là "ngoại thực nhi trung hư"[xxv], "thể nó là âm mà dụng nó là dương"[xxvi], còn cái tượng nó là lửa.
Quẻ Khảm, hai hào âm bao ngoài, còn hào chính trung là hào dương, nghĩa là "ngoại hư nhi trung thực"[xxvii], "thể nó là dương mà dụng nó là âm", còn cái tượng nó là nước.
Tâm lý học đương thời gọi đó là trạng thái lưỡng cực (ambivalence) và cũng nhìn nhận cái lẽ mâu thuẫn đã nói trên trong kinh Dịch. Họ nhận rằng hễ bên ngoài mà thô bạo cương cường bao nhiêu đó là biểu hiện của sự hèn yếu bạc nhược của bên trong bấy nhiêu. Có đúng như vậy: bạo động là con đẻ của cái sợ, nghĩa là của một tâm hồn yếu đuối, không làm chủ được mình. Trái lại, những kẻ đứng trước những khiêu khích thậm tệ mà vẫn thản nhiên, trầm tĩnh ung dung như không có việc gì, người ấy bên trong có một sức mạnh hùng dũng phi thường... Bởi vậy, người xưa cho rằng sự dùng bạo lực "tuốt gươm đứng dậy, vươn mình xốc đánh" là cái dũng của kẻ thất phu, còn "thình lình gặp những việc phi thường cũng không kinh, vô cớ gặp những điều ngang trái cũng không giận", ung dung bình tĩnh... đó là cái dũng của thánh nhân.
*
Điền Quang, vì thái tử Đan, lựa cho một người dũng sĩ để đi hành thích Tần Thủy Hoàng... Thái tử Đan nói: "Nghe tiên sinh là người trí dũng kiêm toàn, có nhiều kỳ kế có thể cứu sống nước Yên không?". Điền Quang từ chối vì đã già yếu không làm gì được nữa. Đan nói: "Trong chỗ bạn thân với tiên sinh, hiện có người nào trí dũng như tiên sinh lúc còn nhỏ không?". Quang nói: "Khó lắm! Thái tử thử xem những khách ở trong nhà có mấy người có thể dùng được, bảo ra đây cho tôi xem". Thái tử Đan liền cho gọi bọn Hạ Phù, Tống Ý, Tần Vũ Dương đến chào Điền Quang.
Điền Quang xem qua một lượt, hỏi rõ họ tên, rồi bảo riêng với Thái tử: "Tôi xem những người khách của thái tử không người nào dùng được cả. Hạ Phù là người máu hăng, giận thì mặt đỏ. Tống Ý là người khí hăng, giận thì mặt xanh. Tần Vũ Dương là người cốt hăng, giận thì mặt trắng. Tức giận mà hình lộ ra mặt để cho người ta biết, thì làm sao nên được việc lớn. Tôi có biết một người gọi là Kinh Kha, thật là một người thần dũng. Mừng giận không hiện ra mặt, điềm đạm phi thường... Tôi tin rằng người ấy hơn những người này xa..."
*
Lối xem người của Điền Quang thật là tinh lắm. Đó là nhận thấy được tới chỗ "trung thực nhi ngoại hư" mà "ngoại thực nhi trung hư" vậy.
Người ta ở đời thường lại không thông lẽ ấy, cho nên cái gì bạo động, hống hách, kiêu ngạo, khiêu khích... là biểu hiện của sự mạnh mẽ bên trong. Thật là một sự hiểu biết nông nổi không biết chừng nào.
Ta há không thấy những bậc đại hiền bên trong đầy đủ... thường tư cách khiêm cung nhã nhặn một cách tự nhiên, trái lại, những kẻ thấp kém bên trong, học lực tầm thường thì bề ngoài thích khoe khoang, chưng dọn! Xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ.
*
Người xưa, rất thâm hiểu lẽ ấy nên mới có câu chuyện ngụ ngôn sau:
"Kỷ Tỉnh Tử lãnh phần tập gà đá độ cho vua.
"Được mười ngày, hỏi thăm, Kỷ Tỉnh Tử nói: "Chưa! Gà còn kiêu khí!"
"Mười ngày nữa, hỏi thăm. Tỉnh Tử nói: "Chưa! Gà còn gáy đáp với gà khác. Thấy gà khác, còn biết cảm động."
"Mười ngày sau nữa, hỏi thăm, Tỉnh Tử cũng nói: "Nó còn thanh khí, hăng hái lắm."
"Mười ngày nữa, lại hỏi thăm, thì Tỉnh Tử nói: "Được rồi! Nghe tiếng và thấy mặt đồng loại của nó, nó không còn biết cảm động nữa. Nó nay như khúc gỗ rồi. Không còn gà nào đối đầu với nó nổi nữa."[xxviii]
*
Ta thấy rõ: còn dùng bạo lực là vì bên trong còn khiếp đảm. Người mà thắng được cái tinh thần khiếp đảm bên trong thời mới giữ được vẻ ung dung trầm tĩnh bên ngoài. Tên trộm kia sở dĩ gây nên tội giết người nào nó muốn như vậy, mà vì hốt hoảng nên đột nhiên mới dùng đến thủ đoạn sát nhân. Bạo động là con đẻ của cái sợ. Nó là sức mạnh của những tâm hồn yếu đuối. Người ta mà chưa giải thoát được cái sợ... thì chớ mong bàn đến sự điềm tĩnh làm gì.
Thử giở lịch sử ra xem sẽ thấy: trong các cuộc cách mạng, sở dĩ có những tàn bạo ghê hồn đều do cái sợ mà ra cả.
Những kẻ bị cái sợ ám ảnh thường rất dễ trở nên những người tàn bạo, như các nhà độc tài xưa nay vậy. Vụ tàn sát khổng lồ mà lịch sử cách mạng Pháp thường gọi là Massacre de Septembre năm 1792, rùng rợn bạo ác đến bực nào, nguyên do vì đâu, nếu không phải vì sự hốt hoảng của dân chúng Pháp trước cái họa ngoại xâm mà gây ra không?
*
Tóm lại, người điềm tĩnh không phải người nhu nhược, theo cái nghĩa người ta thường hiểu là bạc nhược đâu... Sự thật, chính là người dũng mãnh nhất đời... Và bởi họ là người bên trong cương cường nhất, nên bên ngoài bao giờ cũng thích dùng sự dịu mềm nhất như trước đây đã bàn đến quẻ Khảm.
Dùng phép "nhu nhược" để thắng "cương cường" cần phải có tinh thần điềm tĩnh nhất mới sử dụng nổi. Bởi vậy người xưa mới bảo: "Trong thiên hạ không chi mềm yếu hơn nước, thế mà đánh đổ sự cứng rắn không chi hơn đó được... Mềm thắng cứng, yếu thắng mạnh, thiên hạ đều biết, nhưng không sức làm nổi".[xxix]
Người ta ai cũng có lòng tự trọng, không ai muốn ai chạm đến lòng tự ái của mình. Cho nên dùng bạo động thì tàn bạo ắt sanh ra. Lấy oán mà báo oán thì oán oán chấp chồng, lẽ dĩ nhiên nó phải vậy. Dùng nhu thuật, tức là tránh sự đụng chạm đến lòng tự ái của người.
Gandhi giải thích nó như thế nầy: "Phải có hai người mới có thể tranh đấu với nhau được. Hai bên cũng phải bằng lòng với nhau mới có thể chiến đấu với nhau: Sự kháng cự của người bị hiếp là điều kiện cần thiết để cho kẻ hiếp người kia có chỗ hiếp được. Chính họ tấn công vào sức kháng cự ấy. Bởi vậy, bất kỳ là ai trong hai chiến sĩ, có thể, lúc nào cũng đặng, làm ngưng cuộc chiến đấu. Họ chỉ từ chối không kháng cự thì bên đối phương không chỗ vịn vào mà chiến đấu được nữa...
"Nếu tôi đánh anh một bạt tai bên má mặt, mà anh đánh tôi lại một bạt tai... thế thì tranh đấu bắt đầu ký kết với nhau rồi: chúng ta một mất một còn với nhau. Trái lại, nếu anh đưa má bên trái cho tôi và nói: "Đây, cho phép anh đánh luôn một bạt tai nữa tôi chịu sự nhục nhã đau đớn ấy để tỏ cho anh thấy sự lầm lỗi của anh đấy", thì chắc chắn cánh tay tôi không còn cử động nữa... sự giận dữ tiêu tan nhường chỗ cho sự khủng khiếp và hết khủng khiếp đến suy nghĩ..."[xxx]
Chính Napoléon còn phải nói: "Điều mà tôi thán phục nhất trong đời là sự bất lực của sức mạnh để tổ chức. Trong đời chỉ có hai sức mạnh thôi: Lưỡi gươm và tinh thần. Lâu dần, lưỡi gươm cũng bị tinh thần đánh bại".[xxxi]
*
Dùng "nhu" để thắng "cang" tức là nhường nhịn lánh mình để làm cho cái đà tấn công của đối phương phải sa vào chỗ không không... như gặp phải "chiếc thuyền không" của Trang-Tử.[xxxii]
*
Phép đấu vũ của Nhật, thường gọi là Nhu-đạo (Judo), chính dùng nguyên tắc nầy làm căn bản: lấy "hư" để thắng "thực", lấy "nhu" để thắng "cang"... Phép đấu vũ nầy ta phải nhìn nhận là "bá chiến bá thắng". Thật vậy, sức mạnh của một quả đấm căn cứ nơi đâu mà có? Chắc chắn nếu không có một vật nào hứng chịu nó thì không lấy đâu mà biết được nó là sức mạnh. Bởi vậy, nguyên tắc của Nhu-đạo là: Không chống lại với cái đà tấn công bên địch để cho sức mạnh ấy không chỗ chịu đựng mà phải mất trớn... và mất luôn cả sự thăng bằng. Bây giờ, mình chỉ dùng một chút sức mọn thôi cũng đủ làm cho bên địch thất bại như trở bàn tay. Phàm đấu vũ với tay sành Nhu-đạo mà càng dùng sức mạnh chừng nào lại càng nguy hiểm cho tánh mạng mình chừng nấy.
*
Tuy nhiên, dùng nhu cũng không phải là một vấn đề tuyệt đối[xxxiii]. Lạn Tương Như đối với Liêm Pha thì dùng Nhu-đạo, nhưng đối với vua Tần thì lại dùng đến cương đạo một cách triệt để... Chấp kinh cũng phải biết tùng quyền.
Như tôi đã nói trước đây, dùng đến đạo "nhu" chỉ có những ai đã hoàn toàn làm chủ lấy mình rồi, những kẻ đã đạt đến cái tinh thần đại dũng[xxxiv] mới có thể làm nổi mà không phải thất bại. Chưa phải là bực đại dũng... mà bắt chước làm theo theo cái làm của người đại dũng... có khi chỉ là một việc trò hề: "Thân dê mà lốt cọp, thấy chó sói thì run mà thấy cỏ thì thích".
*
Lại cũng có khi nguy nữa là khác.
Tử Sản, lúc bịnh trọng, căn dặn con là Thái Thúc: "Chừng ta chết rồi, chắc là ngươi sẽ cầm quyền chánh trị. Chỉ có bậc đại đức mới có thể dùng được khoan chánh mà phục dân. Còn kỳ dư, hay hơn phải dùng nghiêm chánh. Lửa nóng, dân sợ nên bị chết thiêu ít; nước mát, dân lờn nên phải chết chìm nhiều. Dùng khoan chánh mà trị dân thật khó cho người."
Tử Sản chết, Thái Thúc lên cầm quyền, dùng khoan chánh, không nỡ dùng nghiêm chánh. Trong nước trộm cướp nổi lên, chận bắt hành khách lối đầm Hoàn bồ.
Thái Thúc ăn năn nói: "Nếu tôi sớm nghe theo Tử Sản thì họa hại không đến nỗi nầy". Bèn đem binh tận sát bọn cướp Hoàn bồ. Trong nước dứt đạo tặc.
*
Khổng Tử nói: Hay lắm! Dùng khoan chánh thì dân dễ ngươi; dân dễ ngươi phải dùng nghiêm chánh mà trị nó. Dùng nghiêm chánh thì dân khổ sở; dân khổ sở, phải dùng khoan mà cứu nó. Khoan dùng chế nghiêm, nghiêm dùng chế khoan, thì Chánh trị mới được điều hòa.[xxxv]
*
Bấy nhiêu đủ cho ta thấy, dùng cương hay nhu trong việc trị quốc, bình thiên hạ... đâu phải là việc dễ... và không phải ai cũng làm được.
Đừng làm như người đàn bà rất xấu xí kia... cùng ở một xóm với nàng Tây Thi... Tây Thi, người nước Việt, nổi tiếng là đẹp nhất một thời. Nàng có chứng đau bụng, mà khi đau, nàng ôm bụng nhăn mặt thì vẻ đẹp lại càng thêm mặn mà không thể tả. Chị đàn bà xấu xí thấy vậy, muốn bắt chước, về nhà cũng ôm bụng và nhăn mặt; người làng trông thấy, tưởng thấy ma quỷ hiện hình... Nhà giàu thì đóng chặt cửa lại, không dám ra; nhà nghèo thì bồng bế vợ con mà chạy trốn.[xxxvi]
*
Cũng đừng làm như người thợ đá kia... Có một người thợ ngọc qua hàng thợ đá, vào xem các thứ đá, thấy một tảng đá trong có ngọc. Ngọc ấy trắng muốt và có gân đỏ, quý giá vô chừng. Người thợ ngọc nhờ đó mà giàu có.
Anh thợ đá thấy thế, lấy làm thích chí cũng muốn bắt chước. Anh ta nghĩ bụng: Đá nào trong cũng có ngọc. Rồi ở nhà có bao nhiêu thứ đá, đem cả ra đập để tìm ngọc. Không những không thấy ngọc mà các đá vỡ tan chẳng dùng được việc gì nữa. Anh ta vừa mất của vừa lỗ vốn, cùng quẫn khổ sở, chẳng bao lâu rồi chết.
*
Trong đạo xử thế, biết mình là bước đầu tiên cần thiết nhứt. Trong binh thơ Tôn Tử có câu: "Tri kỷ, tri bỉ, bách chiến bách thắng". Biết mình, biết người thì trăm trận, trăm thắng. Mà biết mình là điều kiện đầu tiên trong đạo tranh đấu và chiến thắng vậy.
Thái Thúc không biết mình, muốn dùng khoan chánh như Tử Sản nên bị trộm cướp nổi lên...
Mình chưa phải có cái sắc đẹp tuyệt trần như nàng Tây Thi, thì đừng bắt chước nhăn mặt như Tây Thi mà làm trò hề cho thiên hạ...
Mình chưa có con mắt nhận được ngọc trong đá như anh thợ ngọc chuyên môn kia, thì đừng có bắt chước làm anh thợ ngọc chuyên môn mà phải cùng quẫn khổ sở...
Toàn là vì không biết mình mà ra nông nỗi ấy...
*
Tại sao không biết làm như người nước Lỗ kia: Nước Lỗ có người ở một mình một nhà. Bên láng giềng có người đàn bà góa cũng ở một mình một nhà.
Một đêm, mưa to gió lớn, nhà người đàn bà đổ, bèn sang xin ngủ nhờ... Người láng giềng đóng cửa không cho vào. Người đàn bà đứng trước cửa sổ, nói: "Ngươi sao bất nhân thế? Không cho ta vào!".
Người láng giềng đáp: "Ta nghe đàn ông đàn bà sáu mươi tuổi trở lên mới ở chung được. Nay người còn trẻ mà ta cũng còn trẻ, cho nên ta không thể cho người vào ngủ trọ được".
Người đàn bà nói: "Ngươi sao không làm như Liễu Hạ Huệ, ủ người con gái ngồi vào lòng mà không tai tiếng gì".
Người láng giềng nói: "Ông Liễu Hạ Huệ thì thế được, chứ ta đây chưa thế được. Vì ta cho ngươi vào mà ta không được như ông Liễu Hạ Huệ thì thà rằng ta không cho ngươi vào mà ta cũng giữ không tai tiếng gì như ông Liễu Hạ Huệ. Thế là ta không làm như Liễu Hạ Huệ mà cũng được như Liễu Hạ Huệ vậy".
Khổng Tử nghe câu chuyện ấy nói: "Phải lắm! Kẻ muốn học ông Liễu Hạ Huệ, chưa ai giống được người nước Lỗ nầy. Mong làm điều rất phải, không bắt chước cách làm, rồi mà làm được, thế mới thật là người khôn".
Sức chứa của lòng người phải biết cho nó có hạn. Có người rất liêm khiết, nhưng sức chứa của lòng liêm khiết chỉ chịu đựng nổi đến năm ngàn đồng là cùng. Dưới số đó, không làm sao cám dỗ họ được, nhưng hơn số đó, họ bị sa ngã ngay. Bởi vậy có người cho làm chức hương cả thì không thèm làm mà cho làm cai tổng thì làm.
Hiếm kẻ với số bạc năm bảy muôn đồng thì vẫn thản nhiên như không: họ vẫn là một người bạn trung thành và luôn luôn liêm sỉ. Nhưng gặp phải số bạc tám chín muôn đồng thì lại thành gian hùng phản bội. Bởi thế mới có kẻ ngày nay là một bực trung nghĩa mà ngày mai là một tên phản tặc. Tào Tháo khi còn làm một tên tiểu tướng là một trang trung nghĩa mà khi trong tay cầm cả quyền hành thiên hạ lại trở thành một kẻ đại gian đại ác...
Kẻ đạo đức, quân tử mà phải sa ngã, buôn dân bán nước nào đâu phải vì họ giả dối... mà là vì họ không lượng trước cái sức chứa của lòng đạo đức họ là bao nhiêu...
*
Bước đầu của sự khôn ngoan là biết mình. Chưa phải là người đại dũng mà cố bắt chước lối sống của người đại dũng... thế nào cũng hỏng việc... lại còn nguy hiểm cho mình và cho người là khác nữa.
AIKIDO
(Kinh doanh dựa trên một nguyên lí Aikido)



Trong môn võ Aikido, các học viên luôn phải ý thức rõ được nguyên lý cơ bản của võ học là sử dụng chính sức mạnh của địch thủ để chống lại địch thủ. Họ sử dụng nguyên lý vòng tròn để tạo ra sự khác biệt khi phải đối kháng. Chiến lược này đem lại cho võ sinh một lợi thế rõ ràng nếu bị tấn công.


Theo cách hiểu tương tự, những điểm mạnh trong Web 1.0 sẽ trở thành điểm yếu trong Web 2.0. Hãy nhớ rằng khi các công ty phải có rất nhiều nhà phát triển khác nhau, hàng tá nhân viên sẽ đứng ở vị trí những chiếc bàn giúp đỡ, và lớn nhất đã phải là tốt nhất?

Trong thế giới Web 2.0, sự tự do được đề cao. Yếu tố nhanh nhạy và trí thức là thiết yếu. Kiến thức luân chuyển dễ dàng, dẫn tới các phát triển mau lẹ hơn. Tính cộng tác lan toả khắp nơi và dường như không có kẻ thủ mà chỉ có các đối tác kinh doanh.
Có một vài điều mà các công ty vừa và nhỏ cần quan tâm tới nếu muốn có được những lợi thế cạnh tranh rõ nét trong thế giới Web 2.0. Bởi vì sự linh hoạt là hết sức quan trọng, các công ty vừa và nhỏ có thể đánh bại những đại gia lớn bằng việc bổ sung giá trị và xây dựng một môi trường cộng tác cao độ cả bên ngoài lẫn bên trong.
Một vài bằng chứng
Điểm chính là mọi người có khuynh hướng vươn tới các ý tưởng.
Bạn có thể thấy rõ điều này trong sự so sánh giữa hai công ty: Microsoft và 37signals. Một là người khổng lồ trong lĩnh vực phần mềm với những nỗ lực không ngừng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình. Microsoft vẫn có một lập trường vững chắc đối với các khách hàng và thị trường. Hệ điều hành Windows Vista mới nhất của hãng nhận được nhiều ý kiến trái chiều khác nhau. Mặc dù vậy, doanh thu từ hệ điều này luôn là một con số khổng lồ.
Trong khi đó, 37 signals hoàn toàn đối lập. Công ty thể hiện sự quan tâm tới yếu tố sáng tạo và sức hấp dẫn, xây dựng các ứng dụng phần mềm chỉ đủ dùng cho người sử dụng – không hơn gì cả, chẳng hạn phần mềm quản lý sản phẩm Basecamp được xây dựng theo phong cách cộng tác. Thay vì những phần mềm khó sử dụng và khá mất thời gian, 37signals sử dụng các font đơn giản, khoảng trống mở và các thành tab để gia tăng mức độ dễ sử dụng và hiệu suất hoạt động.
Adobe Photoshop bị xem như một trong những ứng dụng phần mềm khó sử dụng nhất. Kết quả là phần mềm Adobe Photoshop Elements đã được phát triển – nó có thể được gọi là phiên bản rút gọn của Photoshop.
Shutterfly là một trang web cho phép người sử dụng có thể upload ảnh, chia sẻ chúng và sáng tạo các yếu tố khác nhau với chúng. Với Shutterfly, không có khái niệm một album ảnh tĩnh. Người sử dụng có thể tạo ra các bức ảnh nghệ thuật và in nó trên ca, cốc, hay xây dựng các alnum trực tuyến sau đó in ra và gửi đi. Đó chính là sự trọn vẹn của những dịch vụ giúp khác biệt hoá Shutterfly với các đối thủ cạnh tranh.
Sự phát triển của ngành công nghiệp phần mềm tiếp tục trải qua một sự thay đổi khá lớn khác từ những mã nguồn đóng bởi Microsoft và một số hãng phần mềm khác tới các mã nguồn mở kiểu như Linux, Opera và Ubuntu.
Các công ty đã chứng kiến sự thay đổi và đang sử dụng các phần mềm mã nguồn mở giúp giảm đáng kể chi phí.
Những ẩn ý
1. Các công ty cần nhìn sâu rộng hơn vào vấn đề làm thế nào khách hàng có thể thích sử dụng sản phẩm của họ. Rất có thể công ty xem sản phẩm như hộp giấy thơm, nhưng biết đâu người tiêu dùng xem nó như một cách thức chăm sóc sức khoẻ, một vật trang trí, một vật cứu chữa vết thương tức thì hay một vật để sử dụng trong vẽ tranh.
2. Các sản phẩm thủ công, thêu vá, đan dệt và khâu may bằng tay đang dần lấy lại sự phổ biến và quảng bá rộng rãi. Mọi người đang khám phá ra rằng họ thích làm ra cái gì đó. Thậm chí có tạp chí tên gọi là Make (Làm ra).
3. Có mối quan hệ yêu ghét với cái gì đó được sản xuất số lượng lớn. Và mọi người mong muốn sự khéo léo, duy nhất, đặc biệt và điều gì đó khiến họ cảm thấy suy nghĩ và thích thú. Trong khi việc kinh doanh các sản phẩm được sản xuất theo số lượng lớn không còn hấp dẫn như trước nữa, vẫn còn chỗ cho các kiểu sản phẩm như vậy – nhưng có thể giờ đây nó nên được cá nhân hoá theo một vài cách nào đấy.
4. Những phản hồi sớm từ phía khách hàng là rất quan trọng. Việc chờ đợi cho đến khi các sản phẩm mẫu được hoàn thành xong để hỏi ý kiến khách hàng về sự thích hợp, hoàn chỉnh, đóng gói, mùi vị, cấu trúc, giá trị hay giá cả,... có thể quá muộn. Hãy thu thập phản hồi từ phía khách trong quy trình sản xuất sản phẩm càng sớm bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.




Phải làm gì bây giờ?
1. Tìm kiếm những tính năng sử dụng mới. Những tính năng sử dụng mới cho các sản phẩm sẽ tạo ra các thị trường mới. Hãy mở rộng nhận thức của bạn và quan sát mọi thứ với đôi mắt mới về những gì bạn đang sản xuất. Hãy đặt mình vào vị trí các khách hàng của bạn. Hãy đến với những tính năng sử dụng bổ sung – thoát khỏi chiếc lồng hiện tại.
2. Là một phần của xu hướng. Hãy tìm ra những cách thức mà sản phẩm hay dịch vụ của bạn có thể thích hợp với các xu hướng mới khác nhau.
3. Cá nhân hoá. Hãy tìm ra cách thức để sản phẩm hay dịch vụ của bạn trở nên đơn nhất với người mua. Hãy gửi nó theo cách thức người sử dụng mong muốn. Hãy đảm bảo nó luôn sẵn sàng các hình thức khác nhau (mã nguồn mở hay mã nguồn đóng). Hãy để chúng thích nghi với giao diện người sử dụng. Hãy đem lại cho người dùng khả năng thay đổi những gì họ thích.
4. Lắng nghe các khách hàng. Hãy thiết lập những giao tiếp khách hàng được hệ thống hoá như một quy chuẩn văn hoá trong công ty của bạn. Hãy chắc chắn rằng mọi nhân viên ở mọi cấp độ khác nhau đều tham gia vào.
Dùng sức mạnh của đối thủ để tạo thắng lợi cho mình. Chỉ vậy thôi.


JUDO





Theo Kano - Tổ sư của môn võ này thì Judo là trước hết nhường bước để giành thắng lợi cuối cùng. Về cơ bản Judo là trận đấu về kĩ năng chứ không phải sức mạnh. Các đấu thủ kinh doanh thường dùng lực cần thiết tối thiểu khi ra đòn. Sử dụng toàn bộ sức mạnh để quật ngã đối thủ là trái với nguyên tắc của môn võ này.
Chiến lược Judo trong kinh doanh
Các nguyên tắc của Judo có thể được phát triển thành các chiến lược kinh doanh có thể dùng để tạo lợi thế trong cạnh tranh tấn công các công ty lớn mạnh hơn và phòng thủ khi bị các công ty khác tấn công.
Chiến thuật di chuyển
1. Dấu kín các bước đi 
Khi mới ra nhập thị trường và sức còn yếu, doanh nghiệp không nên thu hút quá nhiều sự chú ý của các đối thủ. Hãy giữ kín lực lượng tránh đối đầu với các đối thủ khi mình chưa đủ sức. Điều này đặc biệt dùng trong các ngành có chi phí cố định lớn, doanh nghiệp rất kỹ chuyện doanh thu giảm hay chi phí cơ hội của các  tấn công các đối thủ mới xuất hiện thấp (chẳng hạn bằng cách giảm giá trong 1 số đoạn thị trường). Các đối thủ được chọn tấn công sẽ là các công ty gây chú ý nhiều nhất.
Tuy nhiên, doanh nghiệp mới muốn phát triển được khách hàng, đối tác biết đến và như vậy có sự mâu thuẫn. Song áp luận trên cơ bản vẫn đúng, doanh nghiệp vẫn có cách khéo léo để tạo được uy tín và danh tiếng cho mình mà không lo liệu có khiêu khích đối thủ để bị tấn công hay không. Doanh nghiệp mới nên tạo một dáng dấp hiền lành đến mức có thể làm cho đối thủ không nhận ra hoặc nhận ra nhưng lại cho là không nguy hiểm.
Công ty Transmentada dấu kín các kế hoạch và hoạt động của công ty từ khi ra đời năm 1995 đến tháng giêng năm 2000 tổ chức một chiến lược rầm rộ giới thiệu bộ xử lý crusoe. Lãnh đạo công ty giải thích sở dĩ họ phải im hơi lặng tiếng trong nhiều năm như vậy vì họ đang cạnh tranh với Intel một "đại ca của các đại ca trong làng cạnh tranh." Cuối năm 2000, Transmentada được niêm yết trên thị trường chứng khoán với giá trị thị trường lên tới 6 tỉ đô la.

2. Xác định lại nội dung cạnh tranh
Giấu kín lực lượng về cơ bản là phòng thủ. Tuy nhiên doanh nghiệp muốn đứng vững và phát triển phải chuyển sang chiến lược tấn công. Đa số các nhà vô địch trong thể thao và kinh doanh đều thành công nhờ một vài thế mạnh và cạnh tranh với họ trên các thế mạnh này là rất khó. Tuy nhiên, họ sẽ có những điểm yếu vì đã tập trung đầu tư tự nhiên vào thế mạnh. Muốn đánh bại họ phải tìm ra các điểm yếu này và tập trung vào đó.
Doanh nghiệp phải chuyển cuộc chiến ra khỏi lãnh địa của đối thủ, tạo ra những luật lệ cạnh tranh mới, đưa ra các tiêu chuẩn mới, nhằm vào các khách hàng mới, dùng các kênh phân phối mới… Công ty Intuit chuyên sản xuất phần mềm quản lý tài chính cá nhân là một ví dụ áp dụng thành công chiêu thức này. Công ty không tạo ra sản phẩm với nhiều thuộc tính khác nhau mà chỉ tập trung vào một số ít các công cụ chính thường xuyên sử dụng và tạo ra một sản phẩm có tác dụng nhanh và dễ sử dụng. Khách hàng đổ xô vào mua sản phẩm của Intuit trong khi các đối thủ vẫn mắc kẹt trong cung cách tư duy càng nhiều càng tốt.
3. Nhanh chóng xung phong.
Dùng hai chiêu thức trên sẽ tạo ra cho doanh nghiệp cơ hội và doanh nghiệp phải tận dụng cơ hội này trước khi đối thủ lớn hơn nhận ra sự nguy hiểm và sử dụng thế mạnh áp dụng để triệt tiêu. Doanh nghiệp cần cũng có địa vị thị trường bằng cách tấn công cấp tốc và nhanh chóng.
Công ty Palm chuyên sản xuất đóng máy tính cầm tay vẫn dùng rất thành công chiêu thức này. Để luôn đi trước Microsoft, Palm cố gắng di chuyển bằng cách ít nhất hàng năm đưa ra sản phẩm mới. Công ty không đưa ra những đột phá trong sản phẩm mới mà chỉ cải tiến từng bước.
Chiến thuật giữ thế thăng bằng
1. Ghìm giữ đối thủ.
Bằng cách ghìm giữ đối thủ, doanh nghiệp có thể tấn công trong cạnh tranh nhờ tránh đối đầu không cần thiết. Có nhiều cách để ghìm giữ đối thủ để tránh đối đầu trong tương lai doanh nghiệp của mình. Nếu doanh nghiệp muốn hạn chế đối thủ phát triển năng lực có thể tìm cách để họ sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp. Các hàng sản xuất đồ điện tử dân dụng Nhật bản đã ghìm giữ được đối thủ Mỹ mạnh khi để họ sản phẩm của mình dưới nhãn hiệu của đối thủ.
2. Tránh ăn miếng trả miếng.
Tuy nhiên, dù doanh nghiệp tránh đối đầu, đối thủ có thể vẫn tấn công. Khi đó giữ thế thăng bằng sẽ khó vì doanh nghiệp có xu hướng giảng trả các đòn tấn công của đối thủ. Tuy nhiên, đối đầu trực tiếp dẫn đến một cuộc chiến ăn miếng trả miếng chỉ là giải pháp cuối cùng trong chiến lược Judo.
Doanh nghiệp cần nghiên cứu kĩ đối thủ và năng lực của mình để tìm ra các biện pháp đáp trả có lời nhất. Chọn các phương án phát huy được thế mạnh của mình và không ảnh hưởng  đến các thế mạnh đó. Chỉ đáp trả lại đối thủ khi không dẫn dến tình trạng đối đầu leo thang.
Ebayđã thành công khi tránh đối đầu với các đối thủ như Yahoo!, Amazon và giữ được thăng bằng khi cạnh tranh theo cách của mình. Ebay không theo các bước đi của đối thủ, ví dụ như Yahoo! cho miễn phí dịch vụ đấu giá hay không quảng cáo tràn lan trên mạng như các đối thủ khác. Công ty chọn cách như tăng cường marketing trực tiếp. Bằng cách đó, Ebay kiểm soát được chi phí, duy trì tình hình tài chính lành mạnh và đến năm 2000, mức giao dịch của Ebay cao gấp 25 lần so với Yahoo!
3. Đẩy khi bị kéo
Hai chiến thuật ghìm giữ đối thủ và tránh ăn miếng trả miếng giúp doanh nghiệp giảm khả năng bị tấn công hoặc hạn chế tồn tại khi bị tấn công. Chiến thuật đẩy khi bị kéo giúp doanh nghiệp sử dụng bằng cách dùng sản phẩm, dich vụ, hoặc công nghệ của đối thủ phản công lại đối thủ.
Một ví dụ điển hình của dùng thành công chiến lược này là công ty Drypers chuyên sản xuất tã trẻ em. Công ty này ra đời vào những năm 80 và thách thức P&G là công ty lớn nhất trên thị trường. Khi Drypers tiếp cận thị trường bang Texas, P&G đã phản ứng quyết liệt bằng cách in và phân phối rộng rãi Cupon. Khách hàng mua mới gói tã trẻ em trình ra một Cupon sẽ được giảm giá 2 đôla. Rõ ràng P&G quyết định tiêu diệt Drypers. Drypers không thể in và phân phát một lượng lớn Cupon như P&G đã làm. Giám đốc điều hành Dave Pittasi sau khi đọc xong một cuốn về món võ Judo đã đưa ra một chiêu thức đối phó vô cùng lợi hại. Công ty cho quảng cáo trên ti vi rằng khi mua tã Drypers mà có Cupon của P&G thì khách hàng cũng được giảm giá như khi mua của P&G. Ngay sau đó doanh thu của Drypers tăng vọt và công ty phải sản xuất hết công suất mởi đủ đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
4. Chủ động ngã
Khi một hoạt động kinh doanh gặp quá nhiều khó khăn hoặc khi bị đối thủ chèn ép, doanh nghiệp có thể chủ động rút lui để tìm hướng đi mới. Cả doanh nghiệp lớn đến doanh nghiệp nhỏ đều nên chủ động ngã khi cần thiết.
Khi Ryanair ra đời năm 1986 đã đề ra chiến lược thâm nhập thi trường bằng giá thấp hơn đối thủ. Tuy nhiên, sau đó các đối thủ mạnh là British và Aerlingus đã phát động một cuộc chiến về giá và đồng loạt giảm giá 20%. Đến năm 1992, công ty lại có lại và duy trì được tình hình này trong suốt những năm 90. Bài học mà Ryanair có được là: Hãy rút lui trên mặt trận bị thua và mở ra một mặt trận khác.
Ba chiến thuật sử dụng đòn bẩy
1. Dùng tài sản của đối thủ làm đòn bẩy.
Các tài sản của đối thủ dù là hữu hình như máy móc, nhà xưởng hay vô hình như nhãn hiệu hay bản quyền đều có thể sử dụng để chống lại chính đối thủ đó. Các tài sản phải đầu tư lớn đều tạo ra rào cản đối với thay đổi và doanh nghiệp có thể dùng rào cản này làm đòn bẩy
Đầu những năm 80 công ty Nitendo có 80% thị phần trên thị trường trò chơi điện tử ở mỹ, trong khi đó Sega chỉ chiếm 7%. Một tài sản lớn của Nitendo là nhãn hiệu với tư cách là nhà sản xuất các phần mềm có tính giáo dục không bạo lực. Các phần mềm công ty sản xuất được coi là phần mềm gia đình phù hợp với tất cả các lứa tuổi. Sega đã lợi dụng tài sản này của Nitendo làm đòn bẩy giành thị phần. Sega cho ra đời các phần mềm có tính bạo lực thậm chí hơi khiêu dâm nhẹ nhàng nhưng hấp dẫn hơn đối với các đối tượng là thiếu niên và người lớn. Nitendo gặp phải tình thế tiến thoái lưỡng nan: nếu làm theo Sega thì sẽ tự phá hoại nhãn hiệu của mình với tư cách là nhà sản xuất tin cậy các gia đình, chuyên sản xuất các trò chơi lành mạnh còn nếu không sẽ mất thị phần vào tay đối thủ. Phải 2 năm sau Nitendo mới quyết định định vị lại thị trường khi đó Sega đã kịp mang thị phần của mình lên 50%.
2. Dùng đối tác của đối thủ làm đòn bẩy.
Các đối thủ lớn thường có một số lượng lớn các đối tác, các nhà phân phối, nhà sản xuất sản phẩm dùng kèm v.v... và đấy cũng chính là một nguồn tạo thế mạnh cho họ. Bằng cách tạo ra mâu thuẫn giữa họ với đối tác của họ, doanh nghiệp hoàn toàn có thể chiến thắng trong việc tạo đòn bẩy để tiến lên.
Một ví dụ kinh điển là thành công của Pepsi-Coca với Coca-Cola khi ra thị trường những năm 30 thế kỉ trước. Coca-Cola khi đó rất mạnh và có nhiều đối tác thực hiện việc đóng chai cho công ty. Pepsi đưa ra thị trường loại chai to hơn Coca-Cola và nhanh chóng tăng thị phần. Tuy nhiên, Coca-Cola không thể làm như thế được vì hầu hết các đối tác của Coca-Cola đã đầu tư rất nhiều vào các thiết bị đóng chai cỡ nhỏ và nếu tìm các nhà đóng chai mới sẽ làm mất lòng các nhà đóng chai hiện có.
3. Dùng đối thủ của đối thủ cạnh tranh làm đòn bẩy
Kẻ thù của kẻ thù là bạn. Có thể dùng rất nhiều cách để sử dụng đối thủ của các đối thủ cạnh tranh làm đòn bẩy. Doanh nghiệp có thể gia tăng giá trị sản phẩm của đối thủ cạnh tranh, chẳng hạn như: Netcape đã sản xuất một phần mềm chạy trên hệ điều hành Unit, đối thủ cạnh tranh chính của Windows NY. Doanh nghiệp có thể liên kết mình với đối thủ của đối thủ cạnh tranh như trường hợp JVC liên kết với các đối thủ của Sony như Hatachi, Sharp, Sanyo, Toshiba để chống lại Sony.
Thay lời kết
Mười chiến thuật là ví dụ minh họa việc vận dụng chiến lược Judo trong kinh doanh. Để thắng lợi trong cạnh tranh đòi hỏi doanh nghiệp phải tự tìm ra nhiều chiến thuật mới và luôn biến hóa trong việc áp dụng các chiến thuật. Hi vọng là bạn đọc sẽ tự liên hệ trong kinh nghiệm thực tiễn của mình để thấy doanh nghiệp của mình và các doanh nghiệp khác vận dụng chiến lược như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất trong kinh doanh?
Trích lược Sách“Chiến lược Judo: Biến sức mạnh của đối thủ cạnh tranh thành lợi thế cho mình" của David Yoffie và Mary Kwak.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét